Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Số bệnh nhân nhiễm sốt rét giảm hơn 17%

Trong 9 tháng đầu năm cả nước có 26.283 bệnh nhân mắc sốt rét; 42 trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét ác tính; 5 trường hợp tử vong giảm 17,2% so với năm trước. Kết quả này có được nhờ các địa phương triển khai tốt các hoạt động phòng chống giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét.
Tuy nhiên dù số người mắc sốt rét giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng nguy cơ sốt rét quay trở lại và bùng phát dịch sốt rét vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương do số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao. Ngoài ra, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện và có nguy cơ lan rộng, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành. Do đó, để giảm thiểu tối đa số người mắc sốt rét cần nâng cao nhận thức phòng chống bệnh của người dân.
mosquito-1-7945-1387947186.jpg
Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Ở nước ta có khoảng 45 triệu dân sống trong vùng có lưu hành sốt rét chiếm 3/4 diện tích cả nước. Bệnh có nhiều ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ và dễ gây thành dịch. Đặc biệt, các tỉnh miền Trung-Tây nguyên hoặc những vùng đồng bằng và thành phố có số đông người thường xuyên qua lại vùng sốt rét lưu hành để làm ăn sinh sống luôn có số lượng lớn người mắc sốt rét. Sự gia tăng biểu hiện rõ rệt vào những tháng đầu mùa mưa.
Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ (thai nghén, suy dinh dưỡng…). Thời kỳ ủ bệnh trong bệnh sốt rét ừ khi bị nhiễm ký sinh trùng đến lúc xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên, trung bình từ 9 đến 30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ. Ngoài cơn sốt bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Một số triệu chứng đi kèm khác có thể là nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Việc chẩn đoán bệnh sốt rét, dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, biểu hiện lâm sàng, và xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu. Trong giai đoạn khởi đầu triệu chứng thường không điển hình, mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác thì yếu tố dịch tễ (sống hoặc đi đến vùng sốt rét lưu hành trong vòng 1 tháng, có tiền căn sốt rét trong vòng 2 năm) sẽ đóng vai trò quan trọng có thể giúp xác định bệnh dễ dàng.
Xác định bệnh sốt rét rất đơn giản bằng kỹ thuật soi tiêu bản máu tìm ký sinh trùng sốt rét; test nhanh tìm kháng nguyên sốt rét có thể được thực hiện ở các cơ sở y tế phường xã. Do đó, trong giai đoạn dịch sốt rét lan rộng, khi bị sốt, hoặc có triệu chứng nghi ngờ sốt rét cần sớm đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.
Điều trị sốt rét cần phải đạt được 2 mục đích: cắt cơn sốt, làm sạch ký sinh trùng, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân và ngăn ngừa tái phát, ngăn ngừa sự lây truyền mầm bệnh qua những người khác. Hiện nay, bên cạnh những loại thuốc kinh điển (quinine, chloroquine, primaquine…), nhiều dược chất mới (artemisinine, arterakin…) cũng đã được đưa vào điều trị.
Hiện nay, do chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, nên việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Những phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét là diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh. Hiện nay ở các vùng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét, biện pháp dùng màn tẩm hóa chất trong cộng đồng để phòng chống muỗi được sử dụng nhiều. Ngoài ra, một phương pháp mang lại kết quả lâu dài đó là san lấp các ao tù, vũng nước để loại trừ các ổ loăng quăng (ấu trùng của muỗi). Người dân cũng có thể loại trừ các ổ loăng quăng bằng cách thường xuyên vớt rong, cỏ hai bên bờ ao, khơi thông dòng chảy hoặc thả cá vào bể, chum, vại chứa nước để cá ăn loăng quăng.
Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, bà con cũng cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng… Người dân cũng có thể đóng lưới ở tất cả các cửa sổ, cửa ra vào và sử dụng quạt máy để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là "Ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi".
Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến