Bác sĩ nói ngứa lòng bàn tay, bàn chân là ghẻ ngứa, tôi thấy có lẽ đúng được một nguyên nhân. Tôi từ hồi còn nhỏ đã thường xuyên mắc bệnh này, ngứa cả gan bàn chân, gan bàn tay. Tôi cứ phải cọ vào thành bàn để gãi, gãi chán đến lúc hết ngứa thì thôi. Sau đó xuất hiện các vết ngứa ở kẽ tay và các mụn như mụn nước, khoảng tuần sau thì tất cả mụn này bong tróc lớp da ngoài. Khám bác sĩ nói thiếu vitamin A, B, C, D gì đó rồi cho đủ các loại thuốc về uống cũng chẳng thấy đỡ. Nhưng có điều lạ là tôi chỉ bị vào mùa đông, mùa hè thì không bị nữa, bàn tay phẳng đẹp. Lý do là gì ạ? (Sinh)
Trả lời:
Chào bạn Sinh,
Thông thường các tổn thương trên da là rất đa dạng. Nếu tính số lượng bệnh được phân theo chuyên khoa da thì có đến hàng nghìn bệnh da khác nhau. Điều này cho thấy có rất nhiều loại bệnh lý có biểu hiện ra ngoài da khá giống nhau nhưng về bản chất lại do nguyên nhân khác nhau gây nên.
Bệnh da có thể gồm các loại: bệnh xuất phát từ cơ địa của người bệnh, hoặc tổn thương do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các tác nhân bên ngoài khác gây nên. Do vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh thì ngoài việc quan sát, hỏi tiền sử người bệnh, phải cần tới các xét nghiệm hỗ trợ để tìm ra nguyên nhân. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng tìm ra được lý do, và cho tới nay có khá nhiều bệnh về da mà không xác định rõ nguyên nhân.
Về trường hợp của bạn, các tổn thương ở lòng bàn tay, bàn chân, và ở kẽ tay, kẽ chân với miêu tả là mụn nước, kèm theo ngứa, thường là do ghẻ. Tuy nhiên, ghẻ còn kèm theo yếu tố dịch tễ (tức là yếu tố cộng đồng, những người sống xung quanh cũng sẽ có người bị ghẻ), do bệnh gây ra bởi ký sinh trùng ghẻ. Về cơ bản, với nhiều bệnh gây ra bởi ký sinh trùng nói chung và bệnh ghẻ nói riêng, thì việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ có thể cũng giúp loại trừ hoàn toàn bệnh nếu duy trì đủ thời gian cần thiết.
Một yếu tố nữa rất đáng chú ý với trường hợp của bạn, đó là tổn thương diễn ra lặp đi lặp lại cùng vị trí da, cùng thời điểm theo mùa. Như vậy, cũng không thể loại trừ có thể bệnh xuất phát từ bản thân cơ thể bạn (hay còn gọi là bệnh cơ địa), dạng dị ứng theo thời tiết... Các tổn thương khác như bong tróc da, có thể là tổn thương phối hợp do ngứa gãi, do thiếu một số vitamin, do nhiễm vi khuẩn, nấm...
Tóm lại, việc xác định bệnh thông qua mô tả tổn thương, diễn biến bệnh chỉ giúp định hướng bệnh. Còn để xác định chính xác, bạn nên sớm đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa về bệnh da, nên khám vào thời điểm có các tổn thương trên da xuất hiện. Các bác sĩ sẽ kiểm tra trực tiếp da và cho làm xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, từ đó mới có biện pháp điều trị hiệu quả. Bên cạnh đấy, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, đặc biệt lưu ý tới chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và các loại vitamin, khoáng chất, nên tránh để vùng da có tổn thương tiếp xúc với các chất tẩy rửa, xà phòng... Điều này sẽ giúp tăng cường sức khoẻ cơ thể nói chung và ngăn ngừa, giảm bớt các tổn thương da nói riêng.
Chúc bạn vui khoẻ!
Thạc sĩ, bác sĩ Thanh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét