Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Những ca sinh tư kỳ diệu ở Việt Nam

Góp mặt với cuộc đời mới đây nhất là bốn bé Nghêu, Sò, Ốc, Hến, con chị Vũ Thị Phương Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hôm 27/11. Bà mẹ 31 tuổi bị hội chứng buồng trứng đa nang, khó thụ thai nên đã thụ tinh trong ống nghiệm và có 4 thai. Bốn bé ra đời ở tuần thứ 33, với cân nặng lần lượt 1,6 kg, 1,8 kg và hai bé 1,7 kg. Hiện sức khỏe của chị Hoa và bốn con đều ổn định.

Phó giáo sư Nguyễn Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản trung ương - người trực tiếp điều trị giữ thai và mổ đẻ cho sản phụ cho hay, đây là trường hợp cực hiếm về số lượng thai cũng như thành công trong việc giữ thai. Bởi những trường hợp mang thai tư thường phải đối mặt với nguy cơ đẻ non. Trên thế giới, các trường hợp thai ba thường chỉ giữ được trẻ trong bụng mẹ tới tuần 32-33.

sinh42-JPG-7000-1417238314.jpg

Hai bé trong 4 trẻ sinh tư tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 27/11. Ảnh: MT.

Hơn hai năm trước, ngày 20/6/2012, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) cũng mổ đẻ thành công cho ca sinh tư của sản phụ Trần Thị Tình ở Đồng Tháp ở tuần thai thứ 32. Chị Tình mang tứ thai tự nhiên và các con chào đời lần lượt nặng 1,5 kg, 1,2 kg, 1,6 kg và 1,7 kg. Một tháng sau khi chào đời, cả 4 bé đều mắc bệnh lý về mắt do sinh thiếu tháng. Gần ba tháng sau sinh, một trong bốn bé của ca sinh tư này phải nhập viện Nhi Đồng 1 vì hoại tử ruột và phải cắt bỏ đoạn ruột dài 40 cm.

Cả hai vợ chồng đều làm thuê kiếm sống, lại đã có hai con, nên khi sinh bốn lần, vợ chồng chị Tình lo nhiều hơn vui vì chưa biết sẽ phải xoay sở lo cho các con thế nào.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, trường hợp sinh tứ do thụ thai tự nhiên cực kỳ hiếm gặp, phải 700.000 trường hợp mới có một ca. Năm 2006, tại viện này cũng có một trường hợp sinh bốn và hiện các bé đều khỏe mạnh.

chi-Tinh-7862-1417235128.jpg

Ca sinh 4 do thụ thai tự nhiên của chị Nguyễn Thị Tình tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) cuối tháng 6 năm 2012. Ảnh: Thiên Chương.

Một trường hợp sinh tư khác tại miền Nam là sản phụ Lê Thị Việt Trinh (An Giang), mổ đẻ tháng 8/2011 tại Bệnh viện Nhân dân Gia định. Cuối năm 2010, sau khi lập gia đình được hai năm, do quá mong con, chị Trinh đến phòng mạch tư kích thích trứng và sau đó mang thai đến bốn bé. Khi sinh, một bé trai nặng 1,7 kg và ba bé gái lần lượt là 1,2 kg, 1,1 kg và 1,6 kg. Sau ngày các con chào đời, khi được hỏi về chuyện nuôi con, người mẹ 21 tuổi đáp: "Vui thì có vui nhưng quá cực".

Bà mẹ này kể, từ sau khi sinh, nhà chị lúc nào cũng có tiếng trẻ con, tiếng cười đùa thì ít mà tiếng khóc quấy thì nhiều. Lắm lúc các bé luân phiên khóc cả đêm khiến cả nhà phải thức dậy. Bà nội bế một bé, bà ngoại bế một bé, hai vợ chồng mỗi người một bé. Ngoài chuyện khóc, chuyện ngủ, việc cho 4 đứa con ăn cũng lắm công phu. Do sữa mẹ không đủ nên chị Trinh phải dùng sữa công thức. Bốn bình sữa luôn được rửa sạch sẽ để chờ sẵn. Chiếc bình thủy chứa nước sôi loại to cũng luôn được châm đầy nhưng vẫn không kịp để đáp ứng khi các bé đồng loạt khóc vì đói. Để chăm các con, bà mẹ trẻ không còn có thời gian dành cho mình và chỉ 10 tháng chị đã sụt gần 10 kg.

Cho tới nay, hai ca sinh tư nổi tiếng nhất vẫn được nhiều người nhắc tới là Bắc - Nam - Thống - Nhất và Hòa - Bình - Hạnh - Phúc - những trường hợp được nhà nước vô cùng quan tâm.

bac-nam-3524-1417238315.jpg

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm cùng 4 cô gái Bắc, Nam, Thống, Nhất và vợ chồng bà Hương tại phủ Thủ tướng. Ảnh: do gia đình cung cấp.

Trường hợp đầu tiên là sự ra đời của bốn cô bé Hà Nội 36 năm trước, "chấn động" đến mức các bé được chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất và nhận đỡ đầu. Ca sinh thường này diễn ra vào ngày 17/4/1977 tại Bệnh viện phụ sản trung ương (khi đó gọi là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương). Sản phụ Bùi Thị Hương kể: "Đúng mùng 2 Tết, bác Phạm Văn Đồng cùng 7 chiếc ôtô đến nhà tôi ở tập thể Trung Tự. Bác cho sữa, đường, quần áo. Mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào (thời đó một yến gạo tương đương 4 hào), sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi. Bản thân tôi được bác cho hưởng 2 lương và nghỉ làm trong thời gian các cháu chưa tròn 6 tuổi. Thỉnh thoảng, bác vẫn cho người đón mẹ con tôi vào văn phòng làm việc của bác để chơi".

Được hỗ trợ như vậy nhưng quá trình mang thai và nuôi con của bà Hương vẫn vô cùng vất vả. Khi có thai, bà đi siêu âm thì được bác sĩ chẩn đoán là quái thai (có 8 chân, 2 đầu) và khuyên bỏ thai. Quá hoảng sợ nhưng không đành lòng, bà vẫn cố giữ thai lại, đến tháng thứ 4 thì bị băng huyết và được bác sĩ thông báo là thai chết lưu. Bà uống thuốc đẩy thai ra nhưng không được và bác sĩ chỉ định phải nạo. Khi đó, bà may mắn gặp một cụ già chỉ cho bài thuốc ăn ngải cứu để cầm máu nên đã trốn viện, làm theo và giữ được thai. Bà mang bầu đến tháng thứ 8 thì sinh 4 bé gái, mỗi bé nặng khoảng một kg. "Lúc tôi sinh được 3 đứa đầu, các nữ hộ sinh cứ nghĩ hết rồi, suýt bỏ quên bé cuối, làm cô út bị ra chậm 5 phút. Cơ thể con bé nằm ngược, nước ối tràn vào mắt và bị đục thủy tinh thể từ đó", bà Hương kể.

Chặng đường nuôi 4 cô gái song sinh cũng rất vất vả vì Bắc, Nam, Thống, Nhất cứ "ốm cùng ốm, đau cùng đau". Một ngày người mẹ phải vắt 8 chai sữa to cho con bú. Để đủ sữa, bản thân bà phải ăn uống gấp đôi người thường. Ngoài sữa, bà còn nấu cháo trộn sữa bò cho các con ăn thêm. Chẳng mấy chốc, từ lúc chỉ nhỉnh hơn 1 kg lúc vừa sinh, cả 4 cô bé đều trở nên trắng trẻo, bụ bẫm. Các cô bé cũng rất hòa thuận, yêu thương nhau.

Gia đình không có điều kiện nên cặp sinh tư của bà chỉ được học hết lớp 12 rồi đi làm. Hiện các cô gái đều đã lập gia đình ổn định, chỉ riêng cô út - bị đục thủy tinh thể từ nhỏ, đã trải qua 3 lần phẫu thuật nhưng mắt chỉ sáng hơn đôi chút, vẫn chưa lập gia đình và cũng không đi làm được.

Sau trường hợp sinh tư của bà Hương hơn chục năm, ngày 19/11/1992, Bệnh viện Phụ sản Trung cũng đỡ đẻ cho một sản phụ tên Nguyễn Thị Mai (quê xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) sinh 4 bé gái. Bà Mai sinh con khi mang thai được hơn 7 tháng. 4 cô con gái của bà sinh ra đều khỏe mạnh. Đứa đầu nặng 1,2 kg; đứa thứ hai nặng 1,6 kg; đứa thứ ba nặng 1,1 kg và cô con gái út nặng 1,5 kg. Trước khi sinh, vợ chồng bà đều không thể ngờ mình có cùng lúc tới 4 đứa con. Bốn em bé được đặt tên là Hòa, Bình, Hạnh, Phúc.

sinh-5-8676-1417238316.jpg

Ca sinh 5 hiếm gặp, mẹ tròn con vuông tại Bệnh viện Từ Dũ năm 2013. Ảnh: Thiên Chương.

Cặp vợ chồng này đều làm ruộng nên phải chạy ăn từng bữa, nhờ vả tất cả mọi người trong gia đình quyên góp thì mới đủ tiền mua sữa cho các con. Có nhiều người giàu đánh tiếng muốn nhận những đứa trẻ này về nuôi nhưng gia đình từ chối.

Năm 2005, trong chương trình "Những chuyện lạ Việt Nam - tìm kiếm kỷ lục Guinness", hai gia đình sinh tư Bắc, Nam, Thống, Nhất và Hòa, Bình, Hạnh, Phúc đã gặp nhau và chia sẻ về cả những ngày tháng khổ cực lẫn những kỷ niệm đáng nhớ của mình.

Ngoài các trường hợp sinh tư, Việt Nam từng ghi nhận một ca sinh năm vào ngày 7/3/2013 ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư (28 tuổi, quận 5, TP HCM) đã sinh 5 em bé gồm ba trai hai gái, lần lượt có cân nặng 2 kg, 1,8 kg, 1,5 kg và hai bé 1,3 kg. Các bé chào đời ở tuần thứ 33,5. Đây là trường hợp mang thai theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Các bé đều khỏe mạnh.

Vương Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến