Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Rắn lục đuôi đỏ cắn gần 500 người miền Nam

Chỉ trong chiều 7/12, có 3 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhập viện. Điều trị vết rắn cắn trên tay, ông Tư cho biết khi đang dọn dẹp đồ đạc tại xưởng ở huyện Bình Chánh thì bất ngờ cảm giác tay đau điếng kèm theo vết răng gây chảy máu. "Nhìn con rắn xanh lè dài chưa đến nửa mét, thân hình nhỏ bằng ngón tay bò đi, tôi mới biết mình bị rắn cắn", bệnh nhân kể.

Cùng ông Tư, hai nam bệnh nhân khác đến từ Bình Dương cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đi làm vườn. Một người bị rắn cắn ở tay, một người bị thương ở chân, hiện cả hai đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.

ran-can-6212-1418001778.jpg

Một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thiên Chương

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết mỗi năm bệnh viện này có khoảng 800-1.000 ca rắn cắn đến điều trị, trong đó rắn độc chiếm 67% và thủ phạm chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ. Đặc biệt, trong tháng 10 có đến 90 ca nhập viện thì quá nửa là do rắn lục đuôi đỏ, tháng 11 có 51 trường hợp bị rắn cắn vào viện thì chủ yếu thủ phạm là rắn lục đuôi đỏ.

"Hiện Việt Nam có thể sản xuất được huyết thanh kháng nọc độc rắn lục. Nếu sơ cứu đúng cách và sớm đến các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh nhân có thể nhanh chóng được chữa lành", ông Bính khẳng định.

Theo tiến sĩ Bính, triệu chứng thường thấy khi bị rắn cắn là sưng hạch vùng tại chỗ, chảy máu vết cắn, bóng nước. Một số người có chảy máu răng, tiêu chảy, xuất huyết niêm da, xuất huyết âm đạo. Trường hợp bị rắn lục cắn chảy máu không nhiều, các triệu chứng không nghiêm trọng bằng rắn chàm quạp hay một số loại rắn độc khác.

Cũng theo bác sĩ Bính, sơ cứu ban đầu là điều rất quan trọng. Do nạn nhân thường lo lắng nên điều đầu tiên là trấn an, tránh để người bị rắn cắn vận động nhiều bởi nọc độc càng dễ di chuyển. Nên bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ, tuyệt đối không rạch nặn vết thương để giải phóng máu vì có thể gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng. Không làm garrot (cột thắt đoạn trên của chân tay với quan niệm hạn chế độc chạy về tim) vì dễ gây hoại tử, nhiều trường hợp băng thắt đến nơi thì phần chi đã hoại tử. "Tốt nhất là rửa sạch vết thương, băng bằng băng thun rồi chuyển đến bệnh viện", bác sĩ khuyên.

Đặc tính của rắn lục đuôi đỏ là ăn đêm ngủ ngày, hay trú trong lùm cây bụi cỏ, không chủ động cắn người mà chỉ cắn khi bị đạp phải hoặc chạm phải. Bác sĩ Bính khuyến cáo mọi người khi đi đến những nơi nhiều cây cối hay bụi rậm thì nên đội nón rộng vành, mang giày cao cổ. Trước khi đi vào bụi rậm thì nên cầm cây khua để rắn bò đi.

Trong khoảng hai tháng qua, các bệnh viện khu vực miền Trung đã tiếp nhận khoảng 400 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Chưa có ca tử vong nhưng theo ngành y tế, đây là hiện tượng bất thường so với những năm trước. Quảng Ngãi là địa phương có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều nhất, khoảng 150 người bị rắn cắn đã nhập viện cấp cứu. Riêng huyện Mộ Đức của tỉnh này, trong tháng qua chính quyền địa phương cùng người dân đã phát hiện, giết chết hơn 300 con rắn lục đuôi đỏ ở các khu dân cư.

Thiên Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến