Dậy thì là một tiến trình phát triển nhiều triệu chứng, khoảng 2-4 năm. Bé gái có sự phát triển ngực và chiều cao vượt trội. Bắt đầu xuất hiện lông mu, lông nách, mụn trứng cá và đặc biệt là chu kỳ kinh nguyệt. Bé trai có sự phát triển tinh hoàn, dương vật, lông mu, lông nách, mụn trứng cá, sự phát triển cơ bắp, mùi cơ thể. Giai đoạn này chiều cao vượt trội, có hiện tượng cương dương và xuất tinh.
Song song với sự phát triển dậy thì là sự phát triển chiều cao. Chiều cao bé gái phát triển sớm hơn bé trai. Tổng chiều cao phát triển trong giai đoạn dậy thì ở bé gái khoảng 25cm, ở bé trai khoảng 30cm.
Dậy thì sớm làm giảm chiều cao lúc trưởng thành, trẻ dễ bị lạm dụng tình dục. Ảnh minh họa: holisticpain |
Bác sĩ Nguyễn Phương Khanh, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết, tuổi dậy thì hiện ngày càng giảm dần theo thời gian. Bé gái được gọi là dậy thì sớm khi xuất hiện các đặc tính sinh dục phụ (ngực, lông mu, mụn trứng cá..) khi dưới 8 tuổi hoặc có kinh nguyệt khi dưới 9,5 tuổi. Dậy thì sớm ở bé trai khi xuất hiện đặc tính sinh dục phụ (phát triển cơ quan sinh dục, lông mu, bể tiếng..) dưới 9 tuổi.
Theo bác sĩ Khanh, dậy thì sớm làm giảm chiều cao lúc trưởng thành. Nếu không điều trị có thể gây giảm đến 20 cm ở bé trai, 12 cm ở bé gái. Dậy thì sớm có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị lạm dụng tình dục, rối loạn tâm lý… Cơ chế dậy thì sớm thường do u não hoặc vô căn, không xác định rõ nguyên nhân. Ở bé gái, khoảng 90% là do vô căn. Ở bé trai trên 50% là do u não.
Một số yếu tố góp phần dẫn đến dậy thì sớm:
- Chủng tộc: dậy thì sớm gặp ở trẻ da đen nhiều hơn da màu và da trắng.
- Gene (di truyền): 25%.
- Tình trạng kinh tế xã hội: nước giàu nhiều hơn nước nghèo.
- Chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì, làm tăng khả năng dậy thì sớm.
- Stress, căng thẳng thần kinh hoặc kích thích thần kinh, xem phim ảnh người lớn...
- Sử dụng những sản phẩm có chứa estrogen như thuốc ngừa thai, dầu gội…
- Sử dụng những sản phẩm có hiệu ứng estrogenic trong các sản phẩm công nghiệp (BPA), thuốc trừ sâu, một số kim loại nặng…
Xử trí khi trẻ dậy thì sớm
Khi trẻ có biểu hiện dậy thì sớm, cần đưa trẻ đến khám phòng khám chuyên khoa nội tiết nhi để làm các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, kiểm tra tuổi xương, MRI não…
Trẻ bị dậy thì sớm thực sự sẽ được điều trị với những loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những loại thuốc hiện nay khá an toàn và không để lại biến chứng. Trẻ sẽ tiếp tục dậy thì sau khi ngưng thuốc từ 2 đến 60 tháng.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét