Tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, bác sĩ cho biết chị Minh bị động thai, dọa đẻ non, may đến viện kịp thời nên hy vọng có thể điều trị giữ được thai một thời gian nữa để bé cứng cáp hơn khi chào đời.
Chị Minh (xã Thăng Long, Nông Cống, Thanh Hóa) cho hay, lần thứ ba mang bầu nhưng đây là lần đầu tiên chị được tiếp cận với những kiến thức về chăm sóc sức khỏe thai nghén cũng như biết các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ. Tất cả là nhờ cuốn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em do trạm y tế xã phát mấy tháng trước. Từ khi có sổ, chị Minh đi khám thai theo đúng lịch hẹn hơn và cũng tiêm phòng đầy đủ, không giống như hai lần mang bầu trước.
"Hôm nào đi làm về tôi cũng mang sổ ra đọc. Tôi làm theo các hướng dẫn trong đó về cách giữ gìn vệ sinh, ăn uống, lịch tiêm phòng... Chồng tôi đọc và hiểu hơn về những mệt nhọc của vợ khi mang thai", chị Minh kể.
Chị Nguyễn Thị Minh đang điều trị tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa. Ảnh: MT. |
Chị Nguyễn Thị Hiển, 31 tuổi (Nông Cống, Thanh Hóa) được phát cuốn sổ hồng này khi có thai em bé thứ hai và thấy nó vô cùng hữu ích trong quá trình chăm con, nhất là lúc cháu ốm. "Khi sinh bé đầu, con bị tiêu chảy, tôi không biết phải làm sao. Lần này, mỗi khi con bị sốt, tiêu chảy, tôi làm theo hướng dẫn trong sổ và thấy rất công hiệu", chị Hiển nói. Chị cũng thường mang theo sổ mỗi lần tiêm phòng cho con để nhân viên y tế ghi mũi nào bé tiêm rồi, mũi nào chưa.
Từ tháng 2/1011, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện dự án triển khai thí điểm sổ này tại 4 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 10/2014. Dự án dựa trên kinh nghiệm sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Nhật Bản - một trong những yếu tố góp phần làm giảm mạnh tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi ở Nhật, từ 20 phần nghìn vào năm 1966 xuống còn 4,3 phần nghìn vào năm 2000. Hiện nay, tỷ lệ tử vong trẻ dưới một tuổi ở Việt Nam là 18 phần nghìn, và hy vọng khi sử dụng sổ sẽ góp phần giảm xuống.
Một cuốn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: MT. |
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là công cụ tự theo dõi và tài liệu tham khảo đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và thành viên trong gia đình. Sổ bao gồm các thông tin cơ bản, các ghi chép trong quá trình chăm sóc thai nghén, chăm sóc trong và sau đẻ, chăm sóc sơ sinh, theo dõi tiêm chủng trẻ em và biểu đồ tăng trưởng của trẻ từ khi sinh tới 6 tuổi. Sổ còn có phần cung cấp kiến thức cơ bản về khám thai, dinh dưỡng trong thời gian mang thai, các dấu hiệu cần chú ý, chăm sóc thiết yếu cho mẹ và con sau sinh, nuôi dưỡng trẻ nhà và cách xử lý một số trường hợp cấp cứu tại nhà.
Khi biết mình có thai, bà mẹ đến trạm y tế đăng ký quản lý thai và nhận sổ theo dõi. Sổ sau đó được sử dụng ở tất cả các cơ sở y tế khác, từ tuyến xã đến trung ương, cả phòng khám tư. Cán bộ y tế ghi chép đầy đủ thông tin về khám thai, sinh đẻ, tiêm chủng, theo dõi tăng trưởng của trẻ và các thông tin cần thiết vào sổ. Khi trẻ ra đời, gia đình đến UBND để đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế và điền thông tin vào sổ. Gia đình điền thông tin về các mốc phát triển quan trọng của trẻ vào đó như khi trẻ biết lẫy, bò, nói...
Là một trong những đơn vị thí điểm áp dụng sổ theo dõi, thạc sĩ Đỗ Quang Vinh, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho hay, sổ rất có ích, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh, cải thiện chất lượng chăm sóc y tế.
"Cuốn sổ nhỏ nhưng thực sự mang lại lợi ích lớn. Rõ ràng sau thời gian áp dụng, nhận thức của các bà mẹ nâng lên rõ rệt, nhất là trong việc khám thai định kỳ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nhiều bà mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học, biết cho con ăn đủ chất, đủ lượng, biết xử trí một số bệnh thông thường... Điều này càng có ý nghĩa hơn với các thôn, bản còn nhiều khó khăn", bác sĩ Vinh nói.
Thách thức lớn nhất là duy trì tính bền vững của dự án. Nhiều người còn quên, mất sổ khi đi khám bệnh. Nhiều nhân viên y tế chưa được tập huấn, không sử dụng thường xuyên sổ, thiếu kinh phí duy trì sau khi dự án kết thúc. Thực tế cho thấy khi đến các bệnh viện tuyến trên, rất hiếm bà mẹ mang theo sổ theo dõi này. Bác sĩ Lê Thị Hương Liên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa cho biết, những bà mẹ mang theo sổ khi đi khám thường là những người có trình độ giáo dục cao và ý thức chăm sóc sức khỏe. Người dân trí thấp, phụ nữ dân tộc vùng cao hay quên. Khi có cuốn sổ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ khám vì họ đã biết được các thông tin về sức khỏe của mẹ, kết quả những lần khám trước...
Bác sĩ Hà Hoàng Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết, nếu có sổ, bác sĩ sẽ biết được tiền sử sản khoa của trẻ, các bà mẹ thông thường tham khảo kiến thức trong sổ đều đã biết xử trí ban đầu đúng khi trẻ mắc bệnh như ho, sốt, hóc dị vật... nên cũng giúp ích cho nhân viên y tế. Đây như cuốn cẩm nang cho suốt thời thơ ấu của trẻ. Bác sĩ không cần phải hỏi nhiều.
Ông Aiga Hirotsugu, cố vấn trưởng dự án cho hay, Nhật Bản triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em từ năm 1942 - trước thế chiến 2, khi còn là nước nghèo, dân trí thấp. Cuốn sổ được thiết kế đơn giản, dễ hiểu để ngay cả những người trình độ thấp cũng có thể dễ dàng dùng.
"Người Nhật chúng tôi coi đây là cuốn sổ ghi chép có ý nghĩa tình cảm. Tôi vẫn giữ cuốn sổ của mình, được cấp từ 50 năm trước. Mỗi lần xem sổ, tôi nhớ lại những chăm sóc của bố mẹ, khi đọc những dòng mẹ ghi: con biết cười khi 10 tuần tuổi, mẹ làm những gì lo lắng ra sao khi lần đầu con sốt cao... Đó như cuốn nhật ký ngắn gọn nhưng cho thấy sự quan tâm, chăm sóc và tình thương của mẹ và cả gia đình cho đứa con", ông Aiga Hirotsugu nói.
Ông cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm áp dụng trên toàn quốc việc sử dụng sổ này. Tuy nhiên, để làm được việc đó, đầu tiên, chính phủ phải có chính sách, đồng thời loại bỏ tất cả các loại sổ khám bệnh lẻ tẻ đang có.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Nhật Bản, ông cho biết, sau hơn 20 năm thí điểm, Nhật bắt đầu nhân rộng việc sử dụng sổ trên cả nước vào năm 1966 bằng việc đưa vào luật chăm sóc sức khỏe của đất nước này. Chính phủ quy định rõ các phòng khám, bệnh viện phải sử dụng cuốn sổ để ghi chép thông tin bệnh nhân. Phụ nữ có thai được cấp sổ kèm theo 14 phiếu khám miễn phí. Khi đi khám, nếu không mang theo sổ, họ sẽ không được miễn phí.
Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, mỗi bà mẹ thường có nhiều loại sổ khác nhau: Sổ khám thai, sổ tiêm chủng mẹ, sổ tiêm chủng con, sổ khám sức khỏe cho con... Một khảo sát trên 28 tỉnh cho thấy, mỗi cán bộ y tế ít nhất ghi trùng lặp 16-20 thông tin trong 4 cuốn sổ khác nhau. "Nếu gộp tất cả các sổ sách này vào một túi trong cuốn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em thì sẽ giảm được nhiều chi phí và hoàn toàn có thể phát miễn phí cho người dân, đồng thời giúp gia đình dễ theo dõi, lưu giữ thông tin về sức khỏe của mẹ và bé, hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa", chuyên gia nói.
Dự án nhân rộng việc sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em trên toàn quốc dự kiến sẽ đệ trình Bộ Y tế vào tháng 11, khi được phê duyệt sẽ triển khai khắp cả nước từ năm 2015.
Minh Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét