Thấy cô con gái 3 tuổi có biểu hiện sốt nhẹ, nổi mụn nước trong miệng, mới đầu chị Dung (Định Công, Hà Nội) nghĩ con bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, đến tối đi làm về, chị hốt hoảng khi thấy con nổi nốt ở đầu gối. Ngay lập tức chị đưa con đến bệnh viện khám thì được biết bé bị tay chân miệng.
"Sợ quá mình vội xin cho con nhập viện nằm luôn nhưng bác sĩ bảo không cần thiết vì cháu chỉ bị nhẹ. Cháu cũng không cần uống thuốc gì, nếu sốt thì uống thuốc hạ sốt, nếu có biểu hiện gì bất thường thì mới nhập viện", chị Dung nói.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng thường là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân, niêm mạc miệng... Ảnh minh họa: Dương Ngọc. |
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, năm ngoái tại Hà Nội cũng ghi nhận một số trường hợp mắc tay chân miệng biến chứng nặng nên tâm lý chung của các bà mẹ khi biết con bị bệnh đều rất lo lắng. Tuy nhiên, qua theo dõi gần đây bác sĩ nhận thấy biểu hiện bệnh nhẹ.
Hầu hết trẻ bị sốt, sau đó nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, một số xuất hiện thêm ở gối hoặc vùng mông, khuỷu tay. Đặc biệt phần lớn trẻ đều xuất hiện ban trong miệng, khiến trẻ rất đau, quấy khóc nhiều, khó nuốt. Có trường hợp sốt cao nhưng đại bộ phận sốt vừa phải, không cao lắm. Với những diễn biến như thế, bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày nếu cha mẹ biết cách chăm sóc.
Chủ yếu là nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cố gắng cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, không cần uống thuốc kháng sinh. Với các nốt ở ngoài chân, tay thì theo cũng không cần thiết phải bôi thuốc gì, chỉ rửa bằng sạch xà phòng là vài ngày tự biến mất.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý không cần lau miệng cho trẻ. Nhiều người thấy miêng con bị hôi, không đánh răng được thì lấy bông, gạc lau rửa răng miệng bằng nước muối. Động tác này vô tình chỉ làm vết loét thêm nặng hơn, thậm chí có thể gây bội nhiễm vi khuẩn.
"Trong quá trình thăm khám, tôi thấy nhiều trẻ bị biến chứng viêm nha chu do cách chăm sóc này của người thân. Trẻ hết các vết loét trong miệng nhưng vẫn không ăn được vì hai hàm răng, lợi bị viêm đỏ rực, thậm chí chảy máu", phó giáo sư Dũng nói.
Khi trẻ đã bị viêm nha chu, nghĩa là có vi khuẩn xung quanh răng thì phải dùng kháng sinh. Ngoài ra, một số trẻ lại bị biếng chứng nấm miệng, ngay sau đợt bị tay chân miệng, trong khi trẻ không hề uống thuốc kháng sinh. Đến khi hỏi cặn kẽ gia đình thì mới biết ngày nào mẹ cũng lau miệng 3-4 lần. Có thể miếng gạc, tay người chăm sóc dính nấm ở bên ngoài đưa vào miệng trẻ khiến trẻ bị nấm.
Vì thế, theo bác sĩ nếu miệng con có hôi, lưỡi trắng rộp cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Cần khuyến khích trẻ chịu khó uống nước, việc nuốt nước bọt có thể làm sạch răng lợi.
Trong thời gian bị ban loét trong miệng, hầu hết trẻ chỉ bú mẹ uống được chút sữa, còn bột, cháo hầu như trẻ bỏ. Vì thế, cha mẹ không nên quá lo lắng nếu thấy con biếng ăn.
Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến năm 2013. Nguyên nhân gây bệnh là virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Hiện chưa có văcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Biểu hiện của bệnh thường là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp biểu hiện không rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh. Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với bé đã mắc bệnh…
Phương Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét