Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

WHO kêu gọi bác sĩ toàn cầu về vùng dịch Ebola

Hiện số ca tử vong do Ebola đã lên 2.400 trong tổng số 4.784 ca mắc. Giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết tâm dịch tại Tây Phi, đặc biệt là 3 quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất là Guinea, Liberia và Sierra Leone đang rất cần sự phản ứng khẩn cấp quy mô lớn.

Ebola đang lây lan nhanh chóng tại Tây Phi vượt quá khả năng kiểm soát của nhà chức trách địa phương. Ảnh: uk.reuters.com

Ebola đang lây lan nhanh chóng tại Tây Phi vượt quá khả năng kiểm soát của nhà chức trách địa phương. Ảnh: uk.reuters.com

"Dịch Ebola đang hoành hành đã tàn phá nhiều nơi tại Tây Phi là một trong những dịch bệnh tồi tệ và phức tạp nhất mà thế giới phải đối mặt trong 4 thập kỷ từ khi Ebola xuất hiện. Số ca nhiễm tăng nhanh chóng đã vượt quá khả năng kiểm soát của nhà chức trách sở tại. Chúng ta cần gia tăng nỗ lực ít nhất từ 3 tới 4 lần mới có thể kiểm soát được dịch bệnh", người đứng đầu WHO trả lời trong họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/9.

Bà kêu gọi một sự hỗ trợ khẩn cấp của quốc tế, trong đó bao gồm việc gửi các bác sĩ, y tá, vật tư y tế tới trợ giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. "Điều cần thiết nhất hiện nay là nhân lực. Chúng ta cần những bác sĩ, chuyên gia được đào tạo và hiểu rõ nguyên tắc giữ an toàn cho bản thân", bà Chan nhấn mạnh.

Hiện tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì Ebola khá cao trên các nhân viên y tế, những người thường xuyên chăm sóc và túc trực bên hàng trăm bệnh nhân. Một số bác sĩ nước ngoài, trong đó có Mỹ và ít nhất một người Anh đã nhiễm Ebola khi đang làm nhiệm vụ tại Tây Phi.

Đáp lại lời kêu gọi này, Bộ trưởng Y tế Cuba, ông Roberto Marales Ojeda, cho biết nước này sẽ gửi sang Tây Phi 165 nhân viên y tế để hỗ trợ các quốc gia đối phó với Ebola. Đây là cam kết giúp đỡ lớn nhất từ các tình nguyện viên bên ngoài Châu Phi từ trước tới nay.

Bà Chan hoan nghênh động thái này từ Cuba và kêu gọi sự hưởng ứng tương tự của các quốc gia khác. Nhận định 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ebola hầu như thiếu thốn mọi thứ, bao gồm cả thiết bị bảo hộ, thuốc men và cả túi đựng thi thể bệnh nhân, bà Chan cho rằng thế giới cần đảm bảo nguồn lực cần thiết trong cuộc chiến chống Ebola.

"Chúng ta cần 500-600 bác sĩ và ít nhất 1.000 nhân viên y tế nữa. Hiện tại chẳng còn giường đơn nào cho các bệnh nhân Ebola tại Liberia", bà phát biểu.

Số liệu thống kê mới nhất, Ebola đã cướp đi hơn 2.400 sinh mạng tại Tây Phi kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng ba. Dù vậy,WHO cảnh báo con số thực tế có thể còn vượt xa hơn do việc cập nhật số liệu đang tụt lại phía sau sự bùng phát nhanh chóng trên thực tế. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc trước đây cũng đã cho rằng, số ca nhiễm có thể lên tới 20.000 trước khi Tây Phi có thể kiểm soát được dịch bệnh này.

Không chỉ ảnh hưởng về mặt y tế, dịch Ebola còn đe dọa tới nền kinh tế của Liberia và Sierra Leone khiến tốc độ tăng trưởng giảm 3,5%, tàn phá công nghiệp khai thác mỏ, nền nông nghiệp và du lịch của các quốc gia vốn đã chậm phát triển này.

Trong một nỗ lực đối phó với Ebola, tình nguyện viên đầu tiên tại Anh sẽ tham gia thử nghiệm văcxin Ebola do Viện Y học quốc gia Mỹ và nhà sản xuất Glaxo Smith Kline phát triển. Văcxin nhắm tới Zaire, một chủng Ebola đang lưu hành trong đợt dịch hiện nay và gây tử vong với tỷ lệ lên tới 90%. Thử nghiệm tại Anh sẽ bao gồm 60 người và là một phần trong loạt thử nghiệm kiểm định độ an toàn của loại văcxin có thể được bào chế để ngăn ngừa virus Ebola nguy hiểm.

Trước đó, văcxin đã được thử nghiệm thành công trên khỉ và bắt đầu được kiểm tra trên người tại Mỹ. Dự kiến quy trình kiểm định an toàn kết thúc vào cuối năm 2014 và nếu thành công, văcxin sẽ được triển khai ngay lập tức cho chương trình tiêm chủng khẩn cấp.

Khánh Hà (Theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến