Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Trời rét, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua thời tiết đột ngột chuyển sang lạnh, nhiệt độ giảm sâu vào sáng sớm và chiều muộn khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp do sức đề kháng kém. Trong các bệnh thì viêm đường hô hấp trên không đáng lo, virus là nguyên nhân chính gây bệnh. Trẻ thường có biểu hiện sốt kèm ho, chảy nước mũi, hắt hơi, mắt kèm nhem… Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì trẻ thường sốt cao, kèm theo đau đầu, nổi hạch, đau họng, đau bụng, amidan to... Trẻ dưới 2 tuổi hay bị do virus.
Theo tiến sĩ Dũng, nếu trẻ chỉ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn chơi bình thường thì cha mẹ có thể tự điều trị và theo dõi trẻ ở nhà. Có thể uống các thuốc ho thông thường, sốt thì hạ sốt, cho trẻ ở chỗ thoáng mát. Nếu thở nhanh, sốt cao lên, khó thở, ăn uống kém, mệt mỏi nhiều thì cần đưa con đến bệnh viện kịp thời.
hutmui1-1372650813_500x0.jpg
Biện pháp dự phòng bệnh tốt nhất trong mùa lạnh là giữ sạch đường mũi, họng cho trẻ. Ảnh: N.P.
Viêm đường hô hấp dưới hay viêm phổi chia làm 2 loại. Nếu là viêm phổi thông thường, trẻ thường ho sốt, thở nhanh, nhưng vẫn ăn, chơi bình thường. Trẻ được chỉ định dùng kháng sinh đường uống, ở nhà theo dõi, cách 2 ngày lại vào viện khám 1 lần. Nếu là viêm phổi nặng với các biểu hiện có rút lõm lồng ngực, khó thở thì bắt buộc trẻ phải nhập viện điều trị và phải tiêm kháng sinh.
"Không nên lạm dụng kháng sinh đường tiêm khi chưa thật sự cần thiết. Lý do là tiêm kháng sinh có khả năng biến chứng nhiều hơn, sốc nhiều hơn. Vì thế, tiêm cho trẻ ở nhà rất nguy hiểm, nếu xảy ra vấn đề ở bệnh viện sẽ có điều kiện cấp cứu tốt hơn. Trường hợp bắt buộc như nhà xa, chưa kịp đưa con đi viện thì chỉ tiêm một mũi", tiến sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý viêm phổi ở trẻ sơ sinh diễn tiến nặng rất nhanh và biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh ở trẻ lớn có những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều; còn trẻ dưới 6 tháng tuổi đây không phải là dấu hiệu quan trọng. Nhiều bé thậm chí không sốt, không ho, nhưng đã bị viêm phổi rất nặng. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi khi bị viêm phổi thậm chí thân nhiệt còn hạ một chút.
"Có bé lúc đi khám mới bị viêm đường hô hấp, được về nhà điều trị. Nhưng chỉ sau 2 tiếng bế về nhà, trẻ đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh, là biểu hiện của viêm phổi", tiến sĩ Dũng nói.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo việc quan sát những dấu hiệu toàn trạng, đặc biệt là tình trạng bú của trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy trẻ bú ít hơn bình thường, ngủ nhiều li bì bất thường, thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể do bị bệnh.
Theo bác sĩ, biện pháp phòng bệnh tốt nhất chính là giữ sạch đường mũi, họng cho trẻ. Trong những ngày này, trời trở rét nhưng nhiệt độ trong ngày lại chênh lệch nhau nên cần đặc biệt chú ý đến cách ăn mặc cho trẻ. Mặc ấm vào buổi sáng và buổi tối, buổi trưa nhiệt độ tăng cần cởi bớt quần áo cho con. Lúc bắt đầu ngủ, trẻ thường nóng hơn người lớn nên chỉ cần mặc quần áo vừa đủ ấm, thoáng. Tuy nhiên, đến nửa đêm, cha mẹ cần đắp thêm chăn cho trẻ, tránh để con bị nhiễm lạnh.
Phụ huynh chú ý cho bé ăn uống đầy đủ chất, nên tắm vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Cha mẹ nên giữ cho môi trường trong nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Không nên đóng hết các cửa, cho bé chơi trong phòng kín, mà mở cửa khi trời ấm nhằm thay đổi không khí trong nhà.
Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến