Xếp hàng chờ đến lượt khám bệnh cho con tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bà mẹ trẻ Minh Ly (quận 3) cho biết mẹ con đi viện từ sáng sớm, chờ mãi mới lấy được số thứ tự đã 50. Một tuần trước, con trai 2 tuổi của chị sốt cao, ho liên tục. Đi khám, uống thuốc, bé bớt bệnh được mấy ngày rồi ho trở lại nên chị đưa con vào viện.
Trẻ đến khám bệnh gia tăng tại bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: B.T
|
Khoảng 2 tuần gần đây, TP HCM thay đổi nhiệt độ thất thường với tiết trời lạnh vào khuya và sáng sớm, nắng nóng vào trưa, chiều lại dịu mát. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn vi rút hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt xuất huyết... hoành hành, gây bệnh cho những người có sức đề kháng yếu.
Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện mỗi ngày nơi này tiếp nhận hàng nghìn trẻ đến thăm khám, nhập viện, nhiều nhất là bệnh lý hô hấp. Trong tháng 11, có gần 50.000 lượt trẻ đến khám bệnh viêm hô hấp trên, gần 25.000 lượt khám viêm hấp dưới, cao nhất từ đầu năm đến nay. 10 ngày đầu tháng 12, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện có dấu hiệu gia tăng.
Thạc sĩ, bác sĩ Tống Thanh Sơn, công tác tại khoa Trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong các bệnh mùa lạnh ở trẻ thì bệnh hô hấp là nổi trội, trong đó đến 80% là bệnh hô hấp trên (viêm từ thanh quản trở lên, viêm mũi, họng, viêm mũi xoang, viêm tai giữa...). 90% gây bệnh hô hấp trên là do siêu vi. Ngoài những nguyên nhân do tác nhân gây bệnh thì yếu tố môi trường không khí góp phần rất lớn. Không ít bệnh dị ứng hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng khởi phát trong thời điểm này.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, thời tiết lạnh, phụ huynh phải chú ý giữ ấm trẻ, nhà cửa phải thông thoáng, tránh khói thuốc lá, tránh bụi, tránh cho trẻ ra ngoài trời khi mới mưa xong. Cần tiêm phòng văcxin đầy đủ cho trẻ. Những văcxin sởi, cúm, thủy đậu... có thể góp phần chống lại tác nhân gây bệnh do siêu vi.
Thông thường trẻ bị bệnh hô hấp mới khởi phát thì có thể chăm sóc tại nhà. Lưu ý cho trẻ sử dụng thuốc ho an toàn, dạng có nguồn gốc thảo dược. Cho trẻ uống nước nhiều hơn để giúp loãng đàm, ngăn ngừa thiếu nước do viêm, sốt. Cho trẻ ăn nhiều bữa, chia nhỏ thức ăn để tiêu hóa được, hạ sốt khi cần. Hạ sốt thì có thể uống thuốc paracetamol với liều 10-15 mg trên một kg cân nặng. Cần chú ý khi nào trẻ sốt khoảng 38,5 độ trở lên mới uống hạ sốt. Việc lạm dụng thuốc hạ sốt vừa không cần thiết vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Cho trẻ mặc đồ thoáng mát để giúp cơ thể tỏa nhiệt. Nếu trẻ sốt cao liên tục thì có thể lau mát , chú ý theo dõi những triệu chứng nặng để đi khám kịp thời.
Một số triệu chứng nặng phải đi khám sớm là trẻ ho kèm theo có biến chứng như thở nhanh, ho kèm co rút lồng ngực, tím tái môi, tay chân lạnh, ho kèm sốt kéo dài trên 2 ngày, trẻ li bì, bỏ ăn…
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh, nhiều bà mẹ hay sử dụng máy lạnh cho con lưu ý, đặc điểm thời tiết này nếu lạm dụng máy lạnh sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của trẻ. Sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài môi trường với bên trong phòng khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Sử dụng máy lạnh càng nhiều thì phòng càng nhiều khí CO2 có hại. Ngoài ra lưới lọc ở cửa máy lạnh thường chứa nhiều vi trùng, nấm mốc đọng dễ nhiễm bệnh cho trẻ.
Khi phòng quá nóng, phải sử dụng máy lạnh thì nên điều khiển nhiệt độ 26-27 độ C trở lên, cách khoảng 10 độ so với thân nhiệt. Phải có chu kỳ trao đổi không khí tươi, tức là khoảng 2-3 tiếng nên mở cửa phòng cho khí tươi tự nhiên ở ngoài tràn vào, tạo sự trao đổi khí trong phòng, giúp độ ẩm cân bằng. Chú ý vệ sinh lưới lọc máy lạnh thường xuyên để phòng bệnh.
Khi trẻ ốm sốt, không nên sử dụng máy lạnh mà chỉ nên để quạt nhẹ nhàng giúp thải nhiệt ra da. Lúc này thân nhiệt đã tăng lên, sử dụng máy lạnh làm chênh lệch cao giữa nhiệt độ thực tế và nhiệt độ phòng sẽ càng khiến cho trẻ dễ bị mất nhiệt, mau mệt.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét