Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Thiếu nữ xem nhẹ nguy cơ từ phá thai

Trong cái rét cắt da, cắt thịt ở Hà Nội những ngày qua, người đi khám bệnh có xu hướng giảm, riêng phòng Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện phụ sản trung ương) từ 8h sáng đã kín người khắp các hàng ghế. Trong đó quá nửa là nhóm người trẻ. Có đôi vẫn khoác bộ đồ nỉ hip-hop mặc ở nhà, có cô khoác ngoài áo đồng phục của một trường đại học danh tiếng.
Trước cửa phòng tư vấn, cô gái tóc búi đỉnh đầu thúc bạn: "Vào đi". Bên trong, cô bạn vừa được giục sấn ngay một ghế cạnh bác sĩ, hì hụi viết thông tin vào cuốn sổ khám bệnh. Một đôi trai gái ngồi sát góc tường chờ đến lượt, mặt cô gái trắng bạch như không còn giọt máu, nước mắt trào ra khi bác sĩ bảo đến chiều mới giải quyết được. Góc trong cùng, vợ ông Đức và con gái tên Liễu chăm chú nhìn vào tờ giấy siêu âm trên tay bác sĩ. "Thai quá to rồi, để đẻ", bác sĩ nói. Bà mẹ nài nỉ: "Cháu nó chưa chồng, có con thì ai lấy. Xin bác sĩ giúp cho...".
Theo quy định, phá thai từ 23 tuần trở lên phải có photo chứng minh thư của người bảo hộ và người phá thai, sổ hộ khẩu, có quyết định của giám đốc Bệnh viện Phụ sản... Không có giấy tờ gì mang theo, nài nỉ một hồi không được, hai mẹ con đành phải ra ngoài.
1-8485-1387939724.jpg
Hiện nhóm phá thai ở phụ nữ chưa sinh con lần nào đã chiếm 30% tổng số ca phá thai. Ảnh: Phan Dương.
Ông Đức nãy giờ sốt ruột, thấy vậy than dài: "Thôi đời mày khổ rồi con ơi". Liễu cúi gằm mặt. Cô gái 19 tuổi xinh xắn này đang mang thai ở tháng thứ 7, nhưng dáng người nhỏ nên chỉ người trong nhà mới biết.
Liễu là con gái đầu của vợ chồng ông Đức. Học xong lớp 12 cô đi làm cho khu công nghiệp gần nhà, rồi yêu một chàng trai ở Tuyên Quang. Mặc dù tuần nào con cũng về thăm nhà nhưng bà mẹ không nhận ra khác lạ. Tuần trước bà mới thấy con bụng to, tra hỏi nhiều lần Liễu không thừa nhận mang thai. Nhưng chối sao được khi cái bụng đã to lùm.
Vợ chồng ông Đức kìm nén cơn giận, tìm gặp chàng trai khiến con mang bầu xin cưới nhưng nhà trai không đồng ý. Và phá thai là giải pháp ông bà nghĩ đến. "Bọn trẻ ngày nay yêu nhau bạo dạn lắm. Bây giờ chỉ trách con dại cái mang. Bỏ thai nó còn kiếm được tấm chồng, chứ giữ lại thì ai lấy", ông Đức nói cần làm nhanh trước khi dân làng biết. Khi hỏi đến khả năng vô sinh khi phá thai to, người đàn ông tứ tuần không ngại ngần nói: "Vô sinh cũng phải phá".
Ở một góc khác, sau khi tư vấn, cô gái dựa vào mẫu phá thai trên tường, viết: "Tôi tên là: Nguyễn Thị Hoa, 20 tuổi, mang thai tuần thứ 11. Lý do phá thai: Do tôi chưa có chồng, không có điều kiện nuôi con...".
Hoa chia sẻ từng câu nhát gừng rằng đã quan hệ với người yêu khoảng 1 năm nay. Lúc nào có bao cao su thì dùng, không có thì thôi, chẳng ngờ lần này dính. Hôm nay bạn trai bận đi làm, cô phải nhờ bạn gái thân nhất đi cùng. "Anh ấy có cưới em cũng không chịu. Em còn đi học, bố mẹ mà biết chỉ có giết em thôi", Hoa nói.
Người bạn gái đi cùng chia sẻ thêm: "Nó dại lắm. Yêu đương không biết giữ gìn, giờ mang thai ra thì lão kia không chịu cưới. Người yêu đi phá thai mà lão có hỏi thăm được câu nào. May là đưa nó đi phá ở viện, em cũng an tâm hơn".
3-6420-1387939724.jpg
Thực chất những ca phá thai to chính là một cuộc vượt cạn, ép sinh non nhưng người phá thai vẫn xem nhẹ. Ảnh: Phan Dương.
Chỉ trong buổi sáng đã có vài chục trường hợp ra vào phòng tư vấn. Số người lập gia đình đi phá thì ít, số bạn trẻ thì nhiều. Bên phòng thủ thuật chốc chốc lại có cô gái đi vào, lúc ra ngoài mặt tái xanh. Trên băng ghế trước cửa phòng, một cô gái ngoài 20 tuổi ôm bụng, mặt tái mét. Bác sĩ nhìn thấy cảnh đó vội quát: "Không có ai đi cùng à? Choáng thế về sao được. Vào ngay phòng nằm thêm tí đi".
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mỗi năm tại bệnh viện này thực hiện từ 9.000 đến 10.000 ca phá thai, trong khi số trẻ em sinh ra tại bệnh viện khoảng 25.000 ca. Thống kê tháng 11/2013 đã có 651 ca phá thai, trong đó số thanh thiếu niên đã chiếm trên 25%.
Các bệnh nhân đến đây đều được tư vấn kỹ càng trước, chăm sóc sau phá thai, những nguy cơ tai biến, sử dụng biện pháp tránh thai sau phá, dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám lại... Bao giờ cán bộ y tế cũng khuyên bệnh nhân để đẻ nhưng rất hiếm trường hợp quay về.
"Số cô gái tỏ thái độ thật sự lo lắng ít vô cùng. Đại bộ phận xem nhẹ và coi thường những rủi ro có thể xảy ra. Không nói sinh viên các trường khác, ngay hôm trước có một sinh viên Cao đẳng y Thái Nguyên 20 tuổi, mang thai 21 tuần. Tôi đã tư vấn phá thai có nguy cơ gây vô sinh nhưng cô gái đó vẫn quả quyết: 'Vô sinh cũng phá'. Tháng trước cũng có nữ sinh năm 4 ĐH Y đến đây phá thai 11 tuần. Hỏi sao mang thai không biết sớm, cô gái đó hồn nhiên trả lời 'Cháu không biết vì kinh lung tung'. Hóa ra cô này thấy cơ thể suy nhược, đi khám sức khỏe mới phát hiện ra mang thai", bác sĩ Hồng Minh xót xa.
Chuyên gia này lo ngại số ca phá thai ở phụ nữ chưa sinh con lần nào có xu hướng tăng lên, song song với số lượng vô sinh thứ phát. Hiện nhóm phá thai ở phụ nữ chưa sinh con lần nào đã chiếm 30% tổng số ca phá thai. Những con số trên chỉ thống kê ở Bệnh viện Phụ sản trung ương, thực tế ở các phòng khám còn đáng báo động hơn nhiều.
Cuối buổi sáng, một phụ nữ ngoài 30 tuổi bước ra khỏi phòng thủ thuật. Mẹ và chồng chạy lại dìu, cả 3 người cùng rơi nước mắt. Họ vừa phải bỏ đi thai lưu tuần thứ 7, và một năm trước cũng phải đến đây bỏ thai với lý do tương tự. Đám đông nam thanh, nữ tú đang chờ đến lượt bước vào căn phòng đó ngước mắt nhìn vô cảm. Chẳng ai trong số họ có ý định quay về vì tội lỗi hay sợ những nguy cơ có thể đến.
Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến