Chị Kim cho biết, 5 tháng trước, đúng dịp con trai đến lịch tiêm mũi tổng hợp ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib thì trạm y tế xã thông báo hoãn tiêm văcxin này. Sau đó, biết thông tin có 5 trẻ tử vong sau tiêm mũi Quinvaxem, chị vô cùng hoang mang.
"Tôi đã tham khảo ý kiến, người thì khuyên nên đi tiêm dịch vụ, người lại bảo cứ đợi kết quả kiểm tra xem sao, chỗ tiêm dịch vụ cũng có vài vụ lùm xùm, nên cuối cùng chẳng dám đưa con đi tiêm", chị Kim kể.
Vừa rồi, nghe nói đã có kết quả kiểm tra, văcxin an toàn, chị Kim đợi đến đầu tháng tới đưa bé đi tiêm, nhưng lại đọc thấy nhiều bé ở Tiền Giang bị nóng sốt, nổi ban phải nhập viện, chị lại băn khoăn. "Mũi này ngừa toàn bệnh quan trọng, không tiêm thì lo bé mắc bệnh, mà tiêm lại chẳng an tâm", chị Kim thổ lộ.
Sau buổi tiêm mũi sởi lần trước, bé gái 10 tháng tuổi của chị Trâm (Gia Lâm, Hà Nội) cũng được hẹn đầu tháng sau sẽ tiêm nốt mũi cuối 5 trong 1, nhưng bà mẹ hai con đang lo lắng khi biết có trẻ nhập viện sau tiêm văcxin này.
"Giờ đưa con đi tiêm cũng run, chỉ sợ có chuyện chẳng lành. Mũi tổng hợp này nếu tiêm dịch vụ thì cũng tốn gần triệu. Bé nhà mình đã tiêm hai mũi rồi, giờ bỏ lỡ cũng lo mà tiêm nốt lại sợ", chị Trâm chia sẻ.
Tiêm ngừa văcxin cho trẻ. Ảnh: D.N.
|
Ngoài Tiền Giang, một số tỉnh ghi nhận các trường hợp trẻ bị phản ứng phụ sau tiêm văcxin Quinvaxem như Hải Phòng, Thái Nguyên... cho biết các ca này chỉ là sốt nóng thông thường, đã hoàn toàn khỏe lại và "không có lý do gì để ngừng sử dụng văcxin này".
Đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó 4 ca được kết luận không do văcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô văcxin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Cuối tháng 9, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế thông báo tiêm lại văcxin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tính đến nay, đã có 12 tỉnh thực hiện tiêm lại văcxin Quinvaxem. Tuy nhiên, đến ngày 26/10, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang quyết định cho huyện Cai Lậy tạm ngưng tiêm Quinvaxem vì có nhiều trẻ nóng sốt , nổi ban khi sử dụng văcxin 5 trong 1 này.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Trưởng phòng nghiệp vụ, Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, các xã phường trong tỉnh đã thực hiện tiêm trở lại văcxin 5 trong 1 cho trẻ trong mấy ngày qua. "Một số cháu có phản ứng phụ là sốt - điều rất bình thường sau mũi tiêm này, và đã nhanh chóng bình phục. Chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào từ các cơ sở về trường hợp bất thường, và sẽ tiếp tục tiêm văcxin này cho trẻ", ông Tốn khẳng định.
Theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngày 5/11 tới, đồng loạt các xã, phường, thị trấn trên địa bàn sẽ tiêm chủng trở lại văcxin Quinvaxem. Hiện Hà Nội đã kiểm tra 100% điểm tiêm chủng trên toàn thành phố và tất cả đều đạt yêu cầu. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thành lập đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng, biểu hiện sốt nhẹ và phản ứng tại chỗ sau tiêm như sưng nóng, bỏng và đau, hơi kích thích một chút là phản ứng nhẹ thông thường cho phép trên trẻ nhỏ sau khi tiêm văcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ này khá phổ biến khi dùng văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào (trên 10%).
Vương Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét