Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt vào mùa đông giá rét khi các thiết bị sưởi ấm trong nhà được sử dụng. Việc chăm sóc và xử trí kịp thời sẽ giúp cho trẻ nhanh khỏi bệnh và tránh được những biến chứng có thể xảy ra.
1. Dấu hiệu nhận biết
Việc đánh giá mức độ nặng nhẹ của vết bỏng phải tùy thuộc vào nguyên nhân vị trí, diện tích, và độ sâu của vết bỏng. Vết bỏng càng lớn và càng sâu thì càng nặng. Người ta thường phân thành 2 mức độ: Bỏng nông và bỏng sâu.
- Bỏng nông hay bỏng độ 1 là tổn thương bề mặt của lớp da gây đau đớn, đỏ và sưng lên.
- Bỏng sâu bao gồm bỏng độ 2 và độ 3.
Độ 2: Tổn thương toàn bộ lớp da gây sưng nóng đỏ đau và làm da bị phồng lên.
Độ 3: Tổn thương lan rộng sâu vào mô dưới da, có thể da chuyển sang màu nâu xám hoặc đen, có thể không biết đau.
Ảnh minh họa: Proguide.
|
2. Nguyên tắc sơ cứu bỏng
- Làm nguội vết bỏng và giảm đau cho bệnh nhân.
- Hô hấp nhân tạo khi bỏng nặng gây suy hô hấp.
- Hạn chế khả năng nhiễm trùng.
- Đưa nạn nhân tới bệnh viện.
3. Cách sơ cứu ban đầu
- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguyên nhân gây bỏng.
- Làm mát khu vực bỏng bằng cách dội nước lạnh lên vết thương liên tục trong khoảng 10 phút nhằm không cho nhiệt gây tổn thương thêm da.
- Đặt lên vết bỏng băng, gạc hoặc vải sạch không có lông để tránh nhiễm trùng.
- Nếu vết bỏng nặng mà trẻ không bị nôn cần cho trẻ uống nhiều nước để thay thế dịch mất qua vết bỏng.
- Nếu vết bỏng nhỏ thì theo dõi 24-48 tiếng để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng.
- Đưa ngay trẻ tới bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau: ngất xỉu, chân tay lạnh, khó thở, bỏng rộng trên 1/10 diện tích cơ thể.
4. Những việc cần tránh
- Không bóc phần da chết hoặc chọc thủng các bọng nước.
- Không dùng đá lạnh hoặc các thuốc mỡ bôi lên vết bỏng.
- Không dùng băng bông có lông tơ mịn để băng vết bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thường
Bệnh viện Nhi trung ương
Bệnh viện Nhi trung ương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét