Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Nhiều trẻ chỉ rửa tay lấy lệ

Làm việc trong lĩnh vực y tế, chị Phong, mẹ Hùng hiểu rất rõ tác dụng của việc rửa tay bằng xà phòng. Vì thế, chị luôn tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở con. Tuy nhiên, quan sát mấy lần, chị thấy con có rửa cũng chỉ xoa xoa hai tay một loáng rồi xong hoặc chỉ rửa với nước thường.

"Năm ngoái khi ở lớp con có bạn bị tay chân miệng thì về nhà cu cậu chăm chỉ rửa tay lắm, thậm chí còn về dạy lại mẹ cách rửa cho đúng 6 bước. Thế nhưng đến giờ thì không để ý, có rửa tay đấy nhưng không sạch", chị Phong nói.

Ảnh: N.P.
Nhiều trẻ rửa tay nhưng không dùng xà phòng hoặc rửa không đúng cách. Ảnh: N.P.

Giống như chị Phong, mỗi lần đi làm về nhìn thấy con đang ăn gì, câu đầu tiên của chị Minh (Đông Anh, Hà Nội) luôn là "Con đã rửa tay chưa?".

"10 lần hỏi thì may cũng được 7 lần cháu bảo có, còn có rửa tay đúng cách không thì thực sự mình cũng không để ý. Nói thật là mình cũng nghe nói 6 bước rửa tay, nhưng nói thật là bản thật mình cũng thấy mất thời gian, cầu kỳ quá nên thôi thì con cứ rửa tay với xà phòng là được", chị Minh nói.

Nói đến rửa tay, ai cũng nghĩ đơn giản, nhưng trên thực tế thì rất ít người rửa tay đúng cách. Nhiều người rửa tay thường xuyên nhưng không có tác dụng diệt khuẩn vì chỉ rửa với nước. Có người rửa tay với xà phòng nhưng lại bỏ qua những vùng "kín đáo" trên bàn tay như: các kẽ ngón tay, đầu ngón tay, ngón tay cái.

Thực tế nhiều bà mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết và không thực hiện vệ sinh khi chăm sóc trẻ. Theo một nghiên cứu gần đây tại 6 tỉnh Nam Định, Điện Biên, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận và An Giang, với hơn 3.300 trẻ dưới 5 tuổi thì chỉ có khoảng 24% bà mẹ (hoặc người chăm sóc) thỉnh thoảng mới rửa tay. Tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng đều đặn trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ là 19%, sau khi đại tiện cũng chỉ đạt 36%.

Ảnh: T.Q.
Ngày 13/10, gần 1.000 học sinh, tình nguyện viên tham gia rửa tay hưởng ứng Ngày Thế giới Rửa tay với xà phòng 15/10. Ảnh: T.Q.

Trong khi đó, rửa tay bằng xà phòng có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 10/26 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất thì khoảng một nửa là các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp. Những bệnh này có liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và thực hiện hành vi cá nhân. Trong đó, rửa tay bằng xà phòng có vai trò rất lớn trong phòng bệnh.

Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể giảm 47% nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Bên cạnh đó, nếu người trông trẻ rửa tay xà phòng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân sẽ giảm 1-10%.

Vì thế, nhân Ngày Thế giới Rửa tay với xà phòng 15/10, các chuyên gia nhắc lại 6 bước rửa tay đúng cách để mọi người tự vệ cho mình:

- Làm ướt hai bàn tay dưới vòi nước sạch, thoa xà phòng vào lòng bàn tay.

- Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau, dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

- Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

- Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.

- Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kìa bằng cách xoay đi xoay lại và ngược lại.

- Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch; lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến