Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Mẹ nhiễm HIV cần dự phòng sớm để sinh con khỏe mạnh

Ước tính, tỷ lệ phụ nữ mang thai ở nước ta nhiễm HIV chiếm khoảng 0,35%. Trong khi đó, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu phụ nữ sinh con. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 5.000-7.000 phụ nữ mang thai có khả năng nhiễm HIV. Trước đây, khi chưa triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV do mẹ mắc bệnh truyền rất lớn, chiếm trên 27% (năm 2008). Từ khi có phương pháp dự phòng, nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã có thể sinh con khỏe mạnh.
hinh_minh_hoa.JPG
Nhằm giúp Việt Nam cải thiện tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, Công ty TNHH Roche Việt Nam đã phối hợp đồng tài trợ cho hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân (đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam), đã công bố kết quả nghiên cứu về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Thái Nguyên từ năm 2008 đến năm 2011. Nghiên cứu được thực hiện trên 163 phụ nữ mang thai nhiễm HIV với kết quả: 136 bà mẹ sinh con âm tính với HIV, 18 trẻ dương tính, 7 trẻ còn lại không rõ có nhiễm HIV hay không do chuyển nơi cư trú. Thái Nguyên là 1 trong 5 địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất nước, nhưng sau khi triển khai dự án, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Thái Nguyên đã giảm từ 27,3% năm 2008 xuống 6,7% năm 2012.
Hiện nay nhiều phương pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện như uống thuốc ARV, thuốc kháng virus HIV khi mang thai theo phác đồ của bác sĩ, sinh mổ, nuôi con bằng sữa ngoài... Tuy nhiên, để thuốc phát huy tác dụng và bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả, cần có xét nghiệm chính xác và dự phòng sớm. Tại hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công cụ chẩn đoán chính xác giúp theo dõi, điều trị và kiểm soát HIV tốt hơn.
2 chủng virus HIV được xác định rõ đặc điểm là: HIV-1 và HIV-2. Trong đó, HIV-1 là chủng virus được phát hiện ban đầu, có độc tính nguy hiểm hơn so với chủng HIV-2 và là nguyên nhân gây bệnh cho phần lớn trường hợp nhiễm HIV trên thế giới. Tuy nhiên, trở ngại khi kiểm tra một chuỗi virus là xét nghiệm phụ thuộc việc nhận dạng những phần nhất định trong bộ gene của virus. Trước đây những lần xét nghiệm này chỉ nhắm vào một vùng của virus, đôi khi đó cũng là vùng mà thuốc điều trị tác động đến, do đó có khả năng ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm. Phát triển mới nhất trong xét nghiệm đo tải lượng virus là xét nghiệm không chỉ nhắm đến hai vùng độc lập gene của virus, mà nó nhắm tới vùng không bị tác động bởi thuốc, cho kết quả chính xác. Điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định về việc cần thiết phải tăng hay giảm mức điều trị.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những khó khăn lớn nhất khi điều trị cho bệnh nhân HIV là tỷ lệ đột biến cao của virus. Virus HIV có thể sinh sôi rất nhanh và thường xuyên thay đổi trong suốt quy trình, đặc biệt đối với bệnh nhân được điều trị thuốc kháng virus. Do đó, đôi khi xét nghiệm không phát hiện hết được lượng virus HIV có trong máu người bệnh, khiến bác sĩ khó đưa ra phác đồ điều trị chính xác. Tuy nhiên, với xét nghiệm HIV-1 Dual Target do Roche Diagnostics giới thiệu, giúp chọn đoạn đích độc đáo trên bộ gene của HIV-1, vị trí này không bị tác động bởi thuốc và khắc phục được hiện tượng bắt cặp sai do đột biến tự nhiên, cho kết quả chính xác. Việc định lượng chính xác lượng virus trong máu, sẽ giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc điều trị, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Do vậy, khuyến cáo đo tải lượng virus trước khi bắt đầu điều trị cho bệnh nhân rất quan trọng và bệnh nhân nên được đo lại 6 tháng sau khi điều trị.
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 9, số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 218.427 trường hợp, với tỷ lệ nhiễm HIV trên toàn quốc là 243 trên 100.000 dân, trung bình mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 34 người nhiễm HIV. Ở TP HCM, từ đầu năm đến nay, có 750 ca nhiễm HIV mới được phát hiện.
Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến