Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Bé trai đầu tiên chào đời từ 'tinh trùng đầu tròn'

Kết hôn 16 năm nhưng vẫn không có con, cặp vợ chồng người Bắc Ninh vào TP HCM điều trị vào năm 2012. Người vợ 35 tuổi có vòng kinh đều, xét nghiệm nội tiết và siêu âm phụ khoa bình thường. Kết quả kiểm tra tinh dịch đồ ở người chồng 39 tuổi cho thấy tinh trùng dị dạng bất thường. Thay vì có hình oval thì đầu tinh trùng của nam bệnh nhân có hình tròn, nhỏ, ít acrosome.

Bác sĩ Vương Đình Hoàng Dũng, Phó đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (TP HCM) cho biết, tinh trùng có hình dạng đặc trưng đầu tròn do không có sự hình thành acrosome trong quá trình hình thành tinh trùng. Thiếu acrosome làm tinh trùng thất bại trong việc thâm nhập vào bào tương noãn để thụ tinh. Những trường hợp này không thể có con theo cách thông thường mà chỉ có thể nhờ thụ tinh trong ống nghiệm và tỷ lệ thành công cũng rất thấp.

tinh-trung-dau-tron_1411116015.jpg

Bé trai đầu tiên tại Việt Nam được thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ tinh trùng đầu tròn.

Ở lần thụ tinh đầu tiên, sau khi chọc hút noãn và kết hợp với tinh trùng của người chồng tạo thành phôi và chuyển thành công vào buồng tử cung, người vợ mang thai nhưng thai chết lưu 8 tuần. Kiên trì làm tiếp lần hai, các bác sĩ dùng giải pháp hoạt hóa trứng, hỗ trợ cho tinh trùng phần men còn thiếu để thúc đẩy quá trình kết hợp với trứng. Kết quả thụ tinh từ 12 trứng cho ra 11 phôi. Trong đó 4 phôi được sử dụng để chuyển vào tử cung, 3 phôi được trữ dự phòng và 4 phôi đem hủy.

Siêu âm sau 3 tuần thử thai cho kết quả một thai phát triển bình thường. Bệnh nhân được mổ lấy thai vì thiếu ối ngày 6/6/2013, ở tuổi thai 36 tuần. Bé trai cân nặng 2,5 kg. Đến nay bé được hơn 15 tháng, phát triển tốt.

Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Bộ môn Phụ sản ĐH Y dược (TP HCM) cho biết, tinh trùng đầu tròn (globozoospermia) là bất thường về hình dạng tinh trùng hiếm gặp ở nam giới, chiếm tỷ lệ thấp hơn 0,1%. Gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là đột biến gen DPY19L2. Bất thường này thường đi kèm với mức độ phân mảnh ADN tinh trùng nặng.

Tinh trùng này không có khả năng thụ tinh tự nhiên với noãn do thiếu cực đầu và men acrosin để giúp tinh trùng đi xuyên qua màng bào vệ noãn và thụ tinh noãn. Do đó, kỹ thuật đơn giản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung hay thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển cũng không có hiệu quả do tinh trùng không thể tự thụ tinh noãn.

Theo bác sĩ Lan, để điều trị trường hợp này cần thực hiện kỹ thuật kết hợp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Tuy nhiên, dù đã tiêm tinh trùng đầu tròn trực tiếp vào noãn, tỷ lệ noãn thụ tinh vẫn thấp và tỷ lệ có thai thấp, đa số không có thai hoặc sẩy thai sớm.

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy áp dụng ICSI kết hợp với kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn bằng calcium ionophore, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ có thai cải thiện đang kể và tỷ lệ sẩy thai giảm, khi điều trị cho các trường hợp thất bại với tinh trùng đầu tròn. Đây được xem là biện pháp điều trị hiệu quả cho các trường hợp tinh trùng đầu tròn. Kỹ thuật kết hợp này còn tăng hiệu quả điều trị cho các trường hợp bất thường tinh trùng nặng khác.

"Trường hợp thành công với điều trị cho tinh trùng đầu tròn và kết quả là em bé sinh ra khỏe mạnh đầu tiên ở Việt Nam vừa được công bố là một trường hợp đã áp dụng kỹ thuật ICSI phối hợp hỗ trợ hoạt hóa noãn bằng calcium ionophore", bác sĩ Lan phân tích.

Từ năm 2011, Trung tâm nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM đã thực hiện thành công đề tài về kết hợp ICSI với hỗ trợ hoạt hóa noãn đề cải thiện kết quả điều trị cho các trường hợp bất thường tinh trùng nặng. Đề tài đã được nghiệm thu, báo cáo và đánh giá cao tại nhiều hội nghị quốc tế và khu vực. Đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh là đơn vị phối hợp với Trung tâm để thực hiện đề tài này.

Mỹ Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến