Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Bé gái bị chẩn đoán 'phù nề bao quy đầu'

Sự việc xảy ra hôm 10/8. Trong đơn thuốc - với chẩn đoán bệnh chỉ có ở bé trai - bác sĩ kê cho bé gái 7 tháng tuổi gồm 5 loại thuốc điều trị. Người nhà bệnh nhi không biết các thuốc này để chữa sốt virus hay dành cho bệnh "phù nề bao quy đầu" nên không dám cho con uống.
donthuoc-1376538696_500x0.jpg
Đơn thuốc của bé gái khám tại Bệnh viện Nhi trung ương với phần chẩn đoán được ghi là "phù nề bao quy đầu". Ảnh: Giaoduc.net.vn.
Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, nhầm lẫn này là sự cố liên quan đến công tác hành chính. Trong đó một phần do lỗi khách quan vì hệ thống mạng tại bệnh viện quá tải, phần khác, bác sĩ đã không kiểm tra lại đơn thuốc sau khi in.
Theo bác sĩ Điển, thông thường sau khi khám và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhi. Trong đơn này, tên, tuổi bệnh nhi và các loại thuốc sẽ được đánh máy, còn phần tên bệnh chẩn đoán là nhập mã bệnh. "Do có sự cố về mạng nội bộ, các chỉ số liên quan đến công nghệ thông tin tại bệnh viện bị nhảy nên mới xảy ra sai sót này", ông Điển nói.
Bác sĩ cho hay, tuần này bệnh viện đã chuyển mọi dữ liệu sang một máy chủ mới để tránh tình trạng quá tải trên.
kham1-JPG-1376538982_500x0.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khám bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa: MT.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cũng thừa nhận, lỗi một phần do nhân viên bệnh viện không kiểm tra lại kỹ đơn thuốc. "Thông thường, sau khi bác sĩ kê đơn, điều dưỡng sẽ hướng dẫn thêm người nhà về việc cho trẻ uống các loại thuốc, và bố mẹ bệnh nhi có thể hỏi lại ngay khi có các thắc mắc. Trường hợp này, không rõ vì người nhà quá tin tưởng bác sĩ, hay vì lý do gì điều đưỡng không xem kỹ, mà để xảy ra sự cố", ông nói.
Về đơn thuốc kê cho bé Yến, bác sĩ Điển cho biết, 3 loại thuốc đầu được kê trong đơn là Cerepone Dry, Ibufen D100, Thymorosin đều để chữa bệnh sốt virus. "Còn thuốc thứ 4, 5 dùng để nâng cao thể trạng, tăng cường vitamin cho cháu. Nếu tôi khám, tôi sẽ hướng dẫn người nhà tập trung cho bé uống 3 loại thuốc đầu, sau đó có thể cho bổ sung vitamin để cháu nhanh hồi phục", bác sĩ nói.
Bác sĩ Điển cũng cho rằng, một bà mẹ cẩn thận, kỹ càng thì nên trao đổi lại ngay với bác sĩ về đơn thuốc, cách sử dụng. "Các ông bố bà mẹ cần phải có ý thức đó nữa. Việc này cũng giống như kiểm tra hàng hóa trước khi ra, chứ không phải việc gì cũng tuyệt đối theo bác sĩ", phó giám đốc bệnh viện nhấn mạnh.
Trước thắc mắc nhiều phụ huynh đưa con đi khám, sau đó rất muốn xin số điện thoại của bác sĩ để có thể tư vấn trong quá trình điều trị cho con hay thắc mắc về đơn thuốc, ông Điển cho rằng, cách này không thể thực hiện vì sẽ rất phiền cho thầy thuốc, trong khi mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 trẻ tới khám, và mỗi bác sĩ phải khám cho 40-50 bé.
"Chúng tôi cũng đã nghĩ đến các giải pháp như lập tổng đài giải đáp các thắc mắc của bệnh nhân nhưng điều kiện hiện nay chưa cho phép thực hiện vì nhiều lý do. Quan trọng nhất là người có thể làm việc này phải có chuyên môn vững vàng, nếu không sẽ mắc những sai lầm nguy hiểm hơn là không tư vấn", bác sĩ Điển chia sẻ.
Vương Linh
*Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến