Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Bác sĩ nhi bày cách thiết kế tủ thuốc gia đình khoa học

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh - nguyên Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, tủ thuốc gia đình chỉ nên chứa các dược phẩm thông thường. Bác sĩ tư vấn cách sắp xếp như sau:

Các loại thuốc cần trữ

Thuốc giảm đau, hạ sốt: Tủ thuốc gia đình nhất thiết phải có dược phẩm này để giúp người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ nhanh chóng hạ sốt, tránh co giật và tai biến do sốt cao. Nên dự trữ thuốc chứa hoạt chất paracetamol dạng bột, mùi thơm, vị ngọt (liều 80, 150, 250mg) nếu nhà có em bé. Có thể mua thuốc hạ sốt dùng đường hậu môn trong trường hợp trẻ cần hạ sốt khẩn cấp.

Nước muối sinh lý: Nên dự trữ khoảng 4-5 lọ để vệ sinh mắt, mũi hàng ngày sau khi ra ngoài đường về, đi bơi, hoặc dùng vào thời điểm nhiều dịch bệnh. Bạn cũng nên nhỏ mũi khi cảm cúm, sốt siêu vi; rửa mắt khi có dị vật (hạt bụi, côn trùng, cát...) bay vào.

bac-si-nhi-bay-cach-thiet-ke-tu-thuoc-gia-dinh-khoa-hoc

Mỗi gia đình nên có tủ thuốc riêng trong nhà.

Thuốc tiêu hóa: Dùng sản phẩm bù nước trong trường hợp tiêu chảy, chú ý pha đúng tỷ lệ hướng dẫn để tránh ngộ độc. Ngoài ra, cần trữ thuốc sữa phòng khi đau bao tử; thuốc chứa hoạt chất dompéridone dùng trong trường hợp đầy hơi, khó tiêu; thuốc trị tiêu chảy…

Thuốc da liễu, dị ứng: Tủ cần có thuốc trị bỏng, bôi chống muỗi hoặc côn trùng đốt dạng mỡ. Có thể dùng thuốc chống dị ứng dạng viên hoặc siro (dành cho trẻ nhỏ) khi mẩn ngứa hoặc mề đay cấp tính.

Dung dịch sát trùng: Cồn 70, 90 độ để sát trùng vết thương ngoài da. 

Bông, băng, gạc y tế: Dùng để lau chùi và băng bó vết thương. Đối với bông, nên cắt sẵn bằng kéo sạch thành từng miếng để tiện dụng.

Cặp nhiệt độ: Dùng để đo thân nhiệt khi có biểu hiện sốt.

Máy đo huyết áp: Dụng cụ này không thể thiếu nếu nhà có người già mắc bệnh huyết áp, tim mạch.

Vị trí đặt tủ thuốc

Tủ thuốc cần đặt nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ tương đối ổn định, tránh ánh nắng trực tiếp để thuốc không hỏng trước khi hết hạn sử dụng. Không nên đặt tủ thuốc ở nơi ẩm ướt hoặc trong tầm với của trẻ, người cao tuổi lú lẫn, thân nhân có bệnh tâm thần. Tủ thuốc nếu có khóa cũng tốt, nhưng cần nhớ chìa khóa ở đâu khi có chuyện.

Cách thiết kế tủ thuốc

Tủ thuốc có thể làm bằng gỗ hoặc kính bọc nhôm, nhưng phải sạch sẽ. Mặt trước tủ là nơi để ghi địa chỉ và số điện thoại của xe cấp cứu, bệnh viện, trạm y tế gần nhà, thầy thuốc quen biết với gia đình.

Tủ nên được chia làm ba phần rõ rệt. Phần một dành cho nhiệt kế, băng cá nhân, keo, kéo, kẹp, cồn, nước oxy già. Phần 2 chứa thuốc bôi ngoài như kem giảm đau, chống dị ứng, súc miệng, nhỏ mắt, rửa tai, thông mũi. Phần 3 cất thuốc uống giảm đau, hạ sốt, đau bao tử, chống tiêu chảy, dị ứng. 

bac-si-nhi-bay-cach-thiet-ke-tu-thuoc-gia-dinh-khoa-hoc-1

Tủ thuốc có thể làm bằng gỗ hoặc kính bọc nhôm, nhưng phải sạch sẽ.

Lưu ý khi bài trí

Tất cả thuốc phải còn bao bì, không nhét nhiều loại vào chung một hộp, tuyệt đối không xé lẻ dễ gây nhầm lẫn. Nên bài trí tủ thuốc gọn gàng, để lúc cần có thể tìm được ngay.

Tránh ôm đồm nhiều loại, gây bối rối lúc vội tìm kiếm, hoặc lãng phí nếu để lâu hết hạn sử dụng. Tránh đặt thuốc đặc hiệu trong tủ, khiến người nhà cảm lạnh lấy nhầm thuốc hạ huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng.

Cách kiểm tra thuốc thường xuyên

Tủ thuốc gia đình cần được kiểm tra định kỳ để bổ sung thuốc thiếu. Bạn cũng cần xem hạn sử dụng để loại bỏ dược phẩm hết "date" hoặc nghi ngờ biến chất. Thuốc dạng siro nên ghi ngày mở nắp, sau 1-3 tháng (tùy loại) phải bỏ dù còn hạn dùng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh 
Nguyên Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến