Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Bệnh viêm cơ tim ở trẻ nhỏ dễ bị nhầm với cảm sốt

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) từng tiếp nhận nhiều trẻ trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngủ li bì, nhịp tim rất nhanh, toàn thân tím tái, thở yếu... Thậm chí có trẻ đến viện đã bị trụy mạch, rối loạn nhịp tim, sốc tim và tiên lượng tử vong sau vài giờ. Kết quả thăm khám, chụp X-quang ngực và siêu âm tim cho thấy các trẻ này mắc bệnh viêm cơ tim. 

Bệnh viêm cơ tim khó phát hiện khi các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt. Hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong.

Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là enterovirus, kế đến là echovirus, adenovirus, herpes simplex, quai bị, sởi, rubella... Khi vào cơ thể, siêu vi làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích.

Bé trai 9 tuổi điều trị viêm cơ tim tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bé trai 9 tuổi điều trị viêm cơ tim tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi. Trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh thường nặng do đề kháng còn yếu. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp. 

Dấu hiệu

- Đối với trẻ lớn: có triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như ói, tiêu chảy...

- Đối với trẻ nhỏ: có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc...

Đặc biệt nếu thấy trẻ có các biểu hiện như tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Phòng bệnh

- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi.

- Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ vitamin và khoáng chất.

- Chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị... cho trẻ để tăng khả năng kháng bệnh.

- Trẻ ở tuổi đi học, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Đây là bệnh nguy hiểm, nguy cơ cao tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Trẻ có bất cứ biểu hiện nào như trên, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và theo dõi.

Mỹ Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến