Đây là kết quả nghiên cứu của giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, nhằm tìm hiểu về dịch tễ học và chẩn đoán, điều trị ung thư vú.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam và ngày càng tăng. Năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú là khoảng 24,4 trong 100.000 người, 5 năm sau lên tới 26,4. Ước tính trung bình mỗi năm có hơn 15.000 chị em được phát hiện ung thư vú, hơn 6.000 ca tử vong. 42.000 phụ nữ Việt sống chung với bệnh.
Tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam cũng trẻ hơn các nước. Đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ở tuổi 30-34 và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ 135/100.000 người.
Tầm soát ung thư vú để phát hiện và điều trị sớm hiệu quả. Ảnh: Lê Nga. |
Người bệnh càng trẻ thì tiên lượng càng xấu, theo giáo sư Thuấn. Người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn tuổi khác, là yếu tố nguy hiểm hơn các tác nhân gây bệnh khác. Bệnh nhân ung thư vú do gene HER 2 thì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao. Người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với người lớn tuổi.
Hiện nay kỹ thuật hiện đại cho phép xác định chính xác bệnh nhân có thụ thể gene HER2 dương tính, để bác sĩ có phương án điều trị sớm và hợp lý, hiệu quả. Trước đây xác định gene HER 2 bằng phương pháp nhuộm hóa miễn dịch, tỷ lệ sai sót khoảng 5-10%. Hiện nay kỹ thuật FISH nhuộm huỳnh quang cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác gần 100%.
Kỹ thuật mới là yếu tố quan trọng để bác sĩ quyết định ứng dụng liệu pháp điều trị trúng đích. Tỷ lệ sống thêm sau 1-3 năm điều trị của bệnh nhân đạt tới 98%, kể cả người bị di căn hạch.
"Nếu không phát hiện được gene này, không áp dụng phương pháp mới điều trị thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân là dưới 50%", giáo sư Thuấn nói.
Hiện nay tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của bệnh nhân tại Bệnh viện K là 75%, tương đương với Singapore. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tăng tỷ lệ người khỏi bệnh nếu phát hiện ung thư sớm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét