Không phải bệnh nhân nào cũng đặt hết lòng tin, hy vọng vượt qua căn bệnh vào bác sĩ của họ. Với nhiều năm kinh nghiệm chữa trị ung thư, bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm ung thư Parkway Singapore đã gặp và chia sẻ nhiều câu chuyện về bệnh nhân từ chối quá trình điều trị. Họ vẫn còn những nỗi sợ mơ hồ về rủi ro điều trị và có những trường hợp vượt ngoài kiểm soát của người bệnh.
Bác sĩ có thể khá bực bội, khó chịu khi bệnh nhân không đồng ý đi theo phương pháp điều trị lâm sàng mà chọn cách điều trị khác lạ. Điều này thật sự xảy ra và cũng không thường xuyên, khi bệnh nhân không tin điều bạn nói với họ.
Tôi có bệnh nhân tên Choy, là quan chức trong chính phủ ở nước ngoài. Tôi bắt đầu chăm sóc ông khi ông bị chẩn đoán mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4, đã di căn đến gan. Ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật ban đầu để điều trị ung thư đại tràng ở Trung Quốc. Vào tháng 6/2011, ông được giới thiệu đến gặp tôi khi phát hiện ung thư đã di căn. Ông luôn có một bác sĩ từ quê nhà đi cùng để tư vấn, thông dịch. Ông không thể nói tiếng Anh hay tiếng Trung nên việc giao tiếp gặp khó khăn.
Phát triển mối quan hệ tốt với bệnh nhân chưa bao giờ dễ dàng khi bạn không nói ngôn ngữ của họ. Tôi có xu hướng làm tốt chuyện này vì lời nói thông thường của tôi rất tượng hình. Khi nói, tôi luôn có nhiều biểu cảm mặt, bày tỏ cảm xúc. Ông Choy và tôi đã có cuộc gặp lần đầu tốt đẹp.
Tiên lượng lâu dài cho những bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4 không khả quan, hầu hết đều không thể chữa trị. Khi ông Choy đến gặp tôi, căn bệnh di căn có vẻ mới chỉ giới hạn ở gan. Trong cộng đồng ung thư học, hiện nay, các bệnh nhân ung thư đại tràng di căn mới đến gan có cơ hội khỏi bệnh. Phác đồ gồm hóa trị tích cực kết hợp với điều trị cục bộ phù hợp có thể chữa khỏi cho 25-40% bệnh nhân.
Ông Choy đáp ứng tốt với hóa trị. Sau khi thấy các khối u đã thu nhỏ kích cỡ, chúng tôi tiếp tục đốt các tổn thương bằng sóng cao tần. Trong thủ thuật này, một ống dò được đưa vào trong khối u dưới hướng dẫn hình ảnh. Sau đó, sóng siêu âm cao tần được tạo ra để làm nóng đầu dò, đốt các tế bào ung thư lân cận.
Vấn đề là ông Choy không thể ở lại Singapore trong vài tháng. Bệnh nhân này thường bỏ điều trị và về nhà khi không còn thời gian. Hai tháng sau, ông quay lại phòng khám vì bệnh trở nặng, di căn đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Lần trước ông được điều trị bằng thuốc mạnh nên lựa chọn các loại thuốc hóa trị lần này độc hại và có nhiều phản ứng phụ hơn. Sau 3 kỳ hóa trị, phim chụp PET-CT cho thấy tình trạng đã cải thiện. Nhưng không may, tôi nhận được tin báo ông phải quay về nước sớm.
Tôi không chắc liệu mình có nên chờ gặp lại ông ấy lần nữa không vì tôi biết nếu bệnh nhân quay lại có nghĩa điều xấu xảy ra. Tôi cảm thấy giống như mình mới chỉ đặt một miếng băng lên vết thương bị nhiễm trùng, biết rằng miếng băng ấy sẽ rơi ra khi nhiễm trùng mưng mủ, lây lan.
Bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm ung thư Parkway Singapore với nhiều năm kinh nghiệm điều trị ung thư, giúp nhiều bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe. |
Một trường hợp khác, vào tháng 5/2012, ông Viggo (người Na Uy, 60 tuổi) gặp tôi vì ung thư amidan bên trái di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ. Ông được chẩn đoán ung thư sau khi trải qua phẫu thuật cắt bỏ amidan (lúc đầu chẩn đoán viêm amidan).
Sau khi thảo luận về lựa chọn điều trị, chúng tôi tiến hành hóa trị cho bệnh nhân. Ông Viggo đáp ứng tốt với hóa trị. Sau 3 kỳ, kết quả chụp PET-CT cho thấy bệnh cải thiện nhiều. Ông thấy khỏe và lấy lại cân nặng sau khi bị sụt cân. Giai đoạn 2 của phác đồ gồm xạ trị hàng ngày ở cổ, kế hoạch chữa trong vòng 7 tuần. Bệnh nhân được truyền thuốc hóa chất hàng tuần để tăng cường hiệu quả xạ trị.
Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào liều dùng, phạm vi khu vực, vùng điều trị. Xạ trị ở khu vực đầu và cổ thường đem đến tác dụng phụ. Tôi thường cảnh báo trước cho bệnh nhân trước khi điều trị rằng họ phải trải qua giai đoạn rất khó chịu.
Hai tuần đầu diễn ra khá dễ dàng. Từ tuần thứ 3 hoặc thứ 4, viền bên trong miệng sẽ bị ảnh hưởng và lở loét, gây khó khăn khi ăn uống, nói chuyện. Sau 3 tuần xạ trị, ông Viggo phải chịu đựng rất nhiều, cân nặng giảm từ 86,6kg xuống còn 80kg. Mặc dù, người bệnh đã tùy ý sử dụng thuốc giảm đau, song cơn đau vẫn trầm trọng.
Tôi chỉ định bệnh nhân nhập viện để truyền nước, thức ăn. Chuyên viên xạ trị và tôi đã khuyên ông hết sức và hoãn xạ trị một thời gian để vết lở loét lành lại. Dù chúng tôi đã cố gắng nhưng Viggo vẫn quyết định từ bỏ xạ trị chỉ sau 15 trên tổng số 35 lần. Bệnh nhân hiểu được những hệ quả có thể xảy ra nhưng đơn giản ông không thể tiếp tục thêm. Tôi chỉ gặp Viggo vào một trong những lần tái khám mỗi 3 tháng. May mắn là ông đang khỏe mạnh dần, cân nặng đã trở lại bình thường, phim chụp PET-CT không thấy dấu hiệu ung thư tái phát.
Ông Choy và Viggo cho tôi nhớ rằng, tôi chỉ đang ở vị trí của một nhà khoa học, một bác sĩ, tất nhiên không giải quyết theo dự đoán trong phòng thí nghiệm hoặc có thể trái ngược với những kết quả đó. Cảm xúc, cân nặng, cấp độ tế bào, cách đáp ứng với hóa chất tiêm vào cơ thể của bệnh nhân có thể khác biệt. Chúng tôi có thể gặp những người bệnh từ chối điều trị nên không biết mọi việc chuyển biến thế nào. Tất cả điều bác sĩ có thể làm là đặt cược, chờ đợi kết quả và tiếp tục làm hết sức mình.
Bác sĩ Ang Peng Tiam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét