Nhiễm HP là một trong những loại nhiễm trùng mạn tính phổ biến nhất thế giới. Khoảng một nửa dân số toàn cầu bị nhiễm HP. Việt Nam có tỷ lệ nhiễm cao với khoảng 70% dân số.
Giáo sư Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trẻ em (đặc biệt là dưới 10 tuổi) thường dễ nhiễm HP nhất. Nguyên nhân do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống hoặc tiếp xúc gần gũi, hôn hít của người lớn với trẻ nhỏ. Ngoài ra, hệ miễn dịch của các bé chưa thực sự hoàn chỉnh nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhiễm HP ở trẻ có thể dẫn đến các biến chứng như khó tiêu, viêm dạ dày cấp và mạn. Một số trường hợp bị loét dạ dày tá tràng. HP cũng gây ra một dạng u mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT) khi trẻ lớn lên. Để tiến triển thành ung thư dạ dày thì cần quá trình viêm teo lâu dài, nên biến chứng này ít xuất hiện ở trẻ.
Biểu hiện của bệnh gồm đầy bụng, ợ chua, ợ hơi, hoặc đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị. Trẻ bé có thể chán ăn, buồn nôn, chậm lớn... Một số bị loét dạ dày tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen, hôi. Song có những trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài dấu hiệu ngày càng xanh xao, thiếu máu mà không giải thích được.
Theo giáo sư Long, mỗi nước có khuyến cáo khác nhau khi điều trị vi khuẩn HP. Tại Việt Nam nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.
Khi nghiên cứu sâu về vi khuẩn HP, các nhà khoa học nhận thấy trong một số trường hợp nó không hẳn có hại hoàn toàn. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP sẽ giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi đem lại một số tác dụng đối với cơ thể con người.
Chẳng hạn người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột. Lý do là HP tiết ra các chất ngăn chặn các vi khuẩn khác phát triển. Các triệu chứng trào ngược hay những bệnh lý về dị ứng như dị ứng phấn hoa, bụi phấn... cũng giảm đi.
Bác sĩ khuyên, việc có cần điều trị HP hay không nên để bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có. Ngược lại nếu có biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được khám, tư vấn, chỉ định xét nghiệm tìm HP và cân nhắc điều trị.
Thông thường, các bác sĩ tư vấn cha mẹ cho trẻ làm nội soi dạ dày. Điều này giúp tìm HP, đánh giá vị trí tổn thương và mức độ tổn thưởng... Trẻ cũng có thể tìm HP thông qua test thở C13 hoặc tìm kháng nguyên trong phân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét