Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Nội tổng quát 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Dược TP HCM giải đáp các thắc mắc của độc giả về nguyên nhân, cách xử trí bệnh tiêu chảy ở trẻ lúc 14h ngày 17/9 trên VnExpress.
Theo bác sĩ Tuấn, các bé dễ mắc bệnh này vào dịp tựu trường bởi các thay đổi về trường lớp, giáo viên, bạn bè, đi học trở lại sau mùa hè được vui chơi. Những xáo trộn đó cũng có thể làm bé lo lắng và biểu hiện bằng việc đau bụng đi tiêu lỏng, giống như hội chứng ruột kích thích ở người lớn. Ngoài ra, khi đi học, bé ăn ở bên ngoài nhiều hơn, làm tăng khả năng ăn phải những thức ăn không sạch sẽ, dễ nhiễm khuẩn, tiêu chảy do nhiễm trùng.
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ đến các phụ huynh.
- Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, nhất là khi bé bắt đầu đi học không ở bên cạnh gia đình nhiều? Em cảm ơn. (Nguyễn Thị Hoa, 24 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào bạn,
Chúc mừng bạn vì có bé đang ở độ tuổi bắt đầu đi học. Việc ăn uống ở một nơi lạ có thể là nguy cơ đưa đến tiêu chảy. Để phòng ngừa tiêu chảy khi bé đến trường, bạn nên thực hiện những điều sau:
- Ăn uống tại những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ví dụ như tại nhà, tại trường, tại những nơi bạn ăn thường xuyên).
- Thực hiện rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn.
- Báo với cô giáo hoặc gia đình ngay khi có những dấu hiệu như đau bụng, tiêu lỏng, sốt...
- Tập cho bé thói quen uống nước sạch (nước chín để nguội, nước suối, nước dừa tươi...)
- Xin bác sĩ cho biết triệu chứng của bệnh tiêu chảy? Xin cảm ơn (Lâm Tuyết Lan, 25 tuổi, Đà Nẵng)
Chào bạn,
Tùy vào tác nhân mà biểu hiện của bệnh tiêu chảy có thể khác nhau. Tuy nhiên, bệnh tiêu chảy vẫn có những đặc điểm chung như sau:
- Đau bụng.
- Buồn nôn.
- Có thể có sốt nhẹ.
- Đi tiêu phân lỏng hoặc toàn nước trên 3 lần mỗi ngày.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, tùy vào nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy mà có thể có thêm những triệu chứng khác như: phân có máu, phát ban ngoài da, nổi mề đay...
- Chào bác sĩ, mùa nào bé dễ mắc bệnh tiêu chảy nhất và nên làm gì để phòng ngừa? (Nguyễn Thảo Ly, 29 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào bạn,
Ở nước ta, bệnh tiêu chảy có thể thấy quanh năm. Tuy nhiên, có hai thời điểm bệnh tiêu chảy thường xảy ra với số lượng lớn bệnh nhân gồm thời điểm vào mùa nóng và thời điểm vào mùa lạnh.
- Vào mùa nóng, vi khuẩn có điều kiện phát triển nhiều hơn, người dân cũng thường xuyên ăn uống bên ngoài nhiều hơn, do đó, dễ mắc phải các bệnh lý tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
- Vào mùa lạnh, người dân thường ở trong nhà, tập trung đông đúc. Điều này tạo điều kiện cho virus lây lan nên dễ mắc phải những đợt dịch tiêu chảy do virus, điển hình là rotavirus và norovirus.
- Thưa bác sĩ, khác nhau giữa tiêu chảy và kiết lỵ là gì? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Hoa, 24 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào bạn,
Tiêu chảy được định nghĩa là đi tiêu phân lỏng hoặc toàn nước trên 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy được chia làm 3 thể:
- Tiêu chảy cấp là tiêu chảy dưới 14 ngày.
- Tiêu chảy kéo dài là tiêu chảy trên 14 ngày.
- Hội chứng lỵ (hay thường gọi là kiết lỵ) là tiêu chảy phân có máu bất kể là bao nhiêu ngày.
Vậy, tiêu chảy đơn thuần là tiêu phân lỏng. Nếu phân lỏng có kèm máu thì gọi là hội chứng lỵ hay kiết lỵ.
- Bé nhà tôi 6 tuổi, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cách ăn uống để hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh, tránh bị những bệnh về đường tiêu hóa nhất là tiêu chảy, táo bón. Hệ tiêu hóa của bé rất yếu. (Yen Thanh, 45 tuổi, quận 8)
Chào bạn,
Giữ cho hệ tiêu hóa của bé được khỏe mạnh là mong muốn chính đáng của các phụ huynh. Tôi xin nêu một vài điểm chính để giúp cho hệ tiêu hóa của bé được khỏe mạnh:
- Khi mang thai phải chuẩn bị sức khỏe người mẹ thật tốt.
- Cố gắng sinh bé bằng cách thông thường, hạn chế sinh mổ nếu không cần thiết.
- Bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi và tiếp tục càng lâu càng tốt cho đến 2 tuổi.
- Chủng ngừa đầy đủ, đặc biệt là các vắcxin ngừa sởi và rotavirus.
- Thường xuyên cho bé ăn sữa chua, sữa lên men.
- Ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế thịt đỏ, thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều đường và muối.
- Thực hiện rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.
- Xử lý phân sạch sẽ và hợp lý.
- Hướng dẫn bé khi nhu cầu đi ngoài thì đi ngay chứ không nín, chờ về nhà.
- Chào bác sĩ, em muốn hỏi khi trẻ bị tiêu chảy có nên ngừng cho ăn thức ăn đặc hay không?
Em cảm ơn! (Nguyễn Thị Hồng Anh, 25 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào bạn,
Cảm ơn về câu hỏi rất quan trọng này. Khá nhiều phụ huynh cho con nhịn ăn khi bị tiêu chảy, hoặc chỉ ăn cháo trắng, cháo muối. Điều đó làm giảm chất dinh dưỡng cần thiết cho bé hồi phục hệ tiêu hóa để mau hết bệnh.
Ngày nay, các hướng dẫn điều trị tiêu chảy ở trẻ em đều nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thông qua việc ăn uống. Không có phân biệt thức ăn đặc hay lỏng. Tuy nhiên, khi đang tiêu chảy, các bé hơi biếng ăn hơn bình thường và sự hấp thu cũng giảm nên thức ăn lỏng sẽ dễ ăn và hấp thu nhanh hơn. Ngược lại, một số bé dễ bị nôn ói khi mắc tiêu chảy. Trường hợp này thì thức ăn đặc lại có thể giúp giảm ói.
Tóm lại, thức ăn đặc hay lỏng đều được, tùy vào nhu cầu và tình hình bệnh cụ thể của bé. Quan trọng là phải chia thành nhiều cữ ăn nhỏ, giúp bé dễ tiêu hóa và thức ăn vẫn phải đầy đủ chất bổ dưỡng để giúp bé mau chóng hồi phục.
- Vì sao vào mùa tựu trường con tôi lại bị tiêu chảy xảy ra thường xuyên hơn? Bé đi học cứ 2-3 ngày lại than đau bụng, đi ngoài nhiều, phân lỏng? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị và phòng tránh. (Thanh Bình, Quận 12)
Chào em,
Vào mùa tựu trường rất nhiều "biến cố" mới xảy ra cho bé như thay đổi trường, đổi lớp, cô giáo mới, bạn bè mới, đi học trở lại sau mùa hè được vui chơi. Những yếu tố trên ít nhiều cũng gây ra những xáo trộn về tâm lý ở bé. Những xáo trộn đó cũng có thể làm bé lo lắng và biểu hiện bằng việc đau bụng đi tiêu lỏng, giống như hội chứng ruột kích thích ở người lớn. Ngoài ra, khi đi học, bé ăn ở bên ngoài nhiều hơn, làm tăng khả năng ăn phải những thức ăn không sạch sẽ, dễ nhiễm khuẩn, tiêu chảy do nhiễm trùng.
Khi bé mắc tiêu chảy, bạn nên cho bé đi khám bệnh để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Về phòng ngừa, bạn nên trấn an tâm lý bé, cố gắng tìm hiểu xem bé có lo lắng điều gì hay không, hướng dẫn bé rửa tay đúng cách và lựa chọn thức ăn tại những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xin bác sĩ cho biết cách trị tiêu chảy cho bé tại nhà? Cảm ơn bác sĩ. (Lý Khả Ngân, 26 tuổi, Lâm Đồng)
Chào bạn,
Đây là một câu hỏi quan trọng, không chỉ bạn mà tất cả phụ huynh khác cũng nên biết cách xử trí tiêu chảy cho bé tại nhà. Nhìn chung có 4 nguyên tắc chính:
- Uống nhiều hơn hàng ngày: Bé nên được uống dung dịch bù nước oresol. Ngoài ra có thể uống các loại nước khác như nước đun sôi để nguội, nước khoáng đóng chai, nước dừa tươi, nước trái cây, nước cháo... Bé không nên uống các loại nước có ga hoặc nước ngọt công nghiệp.
Các loại nước trên cần được uống chậm rãi bằng muỗng nếu bé còn nhỏ hoặc bằng ly nếu bé đã lớn. Nếu uống vào bé bị nôn ra thì cho bé nghỉ 15 phút sau đó uống lại với tốc độ chậm hơn. Nước được uống sau khi đi tiêu hoặc bất cứ khi nào bé muốn.
- Ăn đầy đủ: Bé vẫn cần được cung cấp chất dinh dưỡng như hàng ngày, thậm chí nhiều hơn hàng ngày để giúp cho quá trình lành bệnh nhanh hơn. Tuy nhiên, bữa ăn nên được chia thành nhiều cữ nhỏ vì bé thường biếng ăn khi mắc tiêu chảy và hơi khó tiêu. Thức ăn ưu tiên là những món ăn bé ưa thích, dễ tiêu và không quá ngọt. Nếu bé nhỏ còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục bú mẹ nhiều hơn, lâu hơn hàng ngày.
- Đưa bé đi khám bệnh: Ngay khi có thể, nên đưa bé đến nhân viên y tế gần nhất để được đánh giá và hướng dẫn điều trị phù hợp.
- Tái khám ngay: Đây là điều rất quan trọng. Nếu trong quá trình điều trị mà thấy bé có một trong các triệu chứng sau thì phải đưa bé đến cơ sở điều trị ngay lập tức: nôn tất cả mọi thứ, không uống được hoặc bỏ bú, có sốt (nếu những ngày trước không sốt) hoặc sốt cao hơn (nếu những ngày trước sốt nhẹ), khát nước uống một cách háo hức, phân có máu. Ngoài 5 dấu hiệu trên, nếu phụ huynh cảm thấy lo lắng vì một điều gì khác thì cũng nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay.
- Ngay lúc phát hiện tiêu chảy cấp cần lựa chọn loại thuốc như thế nào để kịp thời bù nước cho con? Cảm ơn bác sĩ. (Dương Mai, quận 9,TP HCM)
Chào bạn,
Ngay lúc phát hiện tiêu chảy cấp, đầu tiên, bạn phải cho bé uống nước để tránh nguy cơ bị mất nước. Các loại nước có thể uống được là dung dịch bù nước oresol, nước đun sôi để nguội, nước khoáng đóng chai... Việc sử dụng thuốc nhìn chung phải có ý kiến của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc không hợp lý, có thể làm cho diễn tiến tiêu chảy phức tạp hơn.
- Thưa bác sĩ. Bé nhà tôi mới 5 tháng tuổi nhưng thường xuyên bị tiêu chảy. Làm sao để phân biệt tiêu chảy do virus Rota với các lại tiêu chảy khác? Có cách nào để phòng ngừa bệnh này một cách hiệu quả không? Cám ơn bác sĩ. (Nam Hải, 19 tuổi, Bến Tre)
Chào bạn,
Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy hàng đầu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ước tính rotavirus gây ra 50% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em. Hàng năm trên toàn cầu ước tính có khoảng 110 triệu lượt tiêu chảy gây ra do rotavirus và có khoảng 440.000 trường hợp tử vong vì tiêu chảy do rotavirus gây ra ở trẻ em dưới 5 tuối.
Đặc điểm tiêu chảy do rotavirus gây ra là bé nôn ói rất dữ dội trong ngày đầu tiên phát bệnh, sau đó xuất hiện tiêu chảy có thể lên đến 15-20 lần trong một ngày. Do đặc điểm nôn ói và tiêu chảy nhiều như vậy nên nguy cơ đưa đến mất nước là rất cao nếu không được điều trị bù nước kịp thời.
Còn các loại tiêu chảy khác (virus khác, vi khuẩn, dị ứng, sau dùng kháng sinh...) thì mỗi loại đều có đặc trưng riêng.
- Bé nhà em 8 tuổi, đi học ăn uống bên ngoài nên hay bị tiêu chảy. Em có mua thuốc smecta cho bé uống thì đỡ hẳn. Em không biết nếu dùng thường xuyên smecta cho con mỗi khi bé bị tiêu chảy có được không thưa bác sĩ? Ngoài dùng thuốc để chấm dứt tiêu chảy, em còn cách nào để hạn chế cho bé tình trạng này không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em. (Kim Uyên, 32 tuổi, Quận 11)
Chào em,
Trước tiên nên có những biện pháp phòng ngừa để tình trạng tiêu chảy đừng xảy ra nhiều như vậy nữa bằng cách hướng dẫn bé rửa tay đúng cách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Việc dùng thuốc có hoạt chất diosmectite để làm giảm triệu chứng tức thời là hợp lý và nhìn chung an toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy cứ lặp đi lặp lại, bạn nên cho bé đi khám bệnh để nhân viên y tế tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp hơn là cứ tự uống thuốc lâu dài.
- Thưa bác sĩ, cả tuần nay bé nhà bị đau bụng quằn quại, kèm theo tiêu chảy, phân tóe nước và đi nhiều lần trong ngày. Vì bé đã vào học nên tôi lo do bé không quen thức ăn ở trường, hoặc thức ăn có thể không hợp vệ sinh. Năm nay bé vừa vào lớp 1 và tham gia bán trú ở trường. Theo bác sĩ tôi có nên tiếp tục cho bé ăn tại trường hoặc có biện pháp nào phòng tránh không?
Em cảm ơn. (Lý Yến Vy, 26 tuổi, Cần Thơ)
Chào bạn,
Trước tiên bạn nên cho bé đi khám bệnh để mau chóng làm giảm triệu chứng, tránh nguy cơ bị mất nước do tiêu chảy gây ra. Hiện nay, nhìn chung các trường trong hệ thống của nhà nước đều chú trọng và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tốt.
Bạn nên trao đổi với cô giáo những vấn đề về sức khỏe của bé nếu có (ví dụ bé bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó hoặc bé không thích ăn một vài loại thức ăn nào đó...). Ngoài ra yếu tố tâm lý khi chuyển từ mẫu giáo lên lớp một cũng là yếu tố cần được quan tâm.
- Chào bác sĩ. Con cháu 15 tháng, không hiểu sao mấy tháng gần đây rất hay bị đi ngoài. Cứ khỏi được tầm chục ngày là tự dưng lại bị lại. Không đi thành nước, nhưng phân dạng sệt, không thành khuôn. Ngày đi từ 2-4 lần, có đợt có nhầy kèm theo. Cháu muốn hỏi với biểu hiện như vậy thì liệu con cháu gặp phải vấn đề gì mà lại hay bị tái lại như thế? Bé uống sữa ngoài hoàn toàn nhưng vẫn sữa cũ, không đổi sữa. Cảm ơn bác sĩ. (Phạm Thanh Thu, 28 tuổi, ha noi)
Chào bạn,
Ở độ tuổi này, nhiều thay đổi diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày của bé như bé mọc răng, bé ăn thêm nhiều thức ăn mới, bé đi được nhiều hơn, tự khám phá thế giới xung quanh và rất thích đưa mọi thứ vào miệng.
Triệu chứng như bạn kể khó có thể đưa ra ngay một chẩn đoán xác định. Có vẻ như đó là triệu chứng của một bé đang mọc răng. Tuy nhiên, bạn nên đưa bé đến bệnh viện nhi gần nhất để được khám và điều trị hợp lý.
- Xin chào bác sĩ. Cho em hỏi là em đẻ con trai mới được 2 tháng 8 ngày; cháu lúc sinh được 3,1kg đến nay bé được 5kg. Cháu bị tiêu chảy và đi phân sống ngày trên 10 lần, bị 3 tuần rồi và hay đi són. Sau khi khám, bác sĩ cho cháu uống điện giải và men tiêu hóa dạng ống và uống sữa không đường nhưng cháu vẫn bị em lo lắng quá không biết như thế nào. Bác sĩ cho em lời khuyên với ạ. Em cảm ơn! (Nguyễn Lan Anh, 25 tuổi, An Giang)
Chào bạn,
Ở độ tuổi này, tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: dị ứng, nhiễm khuẩn, các bệnh lý bẩm sinh, kém hấp thu... Nếu đã đi khám mà diễn tiến vẫn chưa ổn thì bạn nên cho bé tái khám lại để nhân viên y tế xem xét có cần làm thêm xét nghiệm gì hoặc thay đổi hướng điều trị để giúp bé mau hết bệnh.
- Chào bác sĩ, con em mấy nay bị viêm họng và sốt, đi khám bác sĩ cho uống kháng sinh. Bé về có đi ngoài tiêu chảy, trong trường hợp này em có cho con uống thêm thuốc trị tiêu chảy được không ạ? Cảm ơn bác sĩ! (Thơ, 30 tuổi, Q3, Tp. Hồ Chí Minh)
Chào em,
Việc xuất hiện tiêu chảy sau khi sử dụng kháng sinh là khá thường gặp, xảy ra trong khoảng 30-35% các trường hợp. Để tránh xảy ra, chúng ta chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết. Nếu đã sử dụng kháng sinh hợp lý mà xuất hiện tiêu chảy, bạn nên cho bé tái khám lại để bác sĩ có thể bổ sung thuốc giúp bé giảm tiêu chảy. Bạn không nên tự mua thuốc cho bé uống vì có thể làm tình trạng tiêu chảy phức tạp hơn.
- Có nên dùng thuốc khi bé bị tiêu chảy không thưa bác sĩ, nhất là khi bé bị tiêu chảy kéo dài 2 tuần không hết. (Thanh Huong)
Chào bạn,
Tiêu chảy từ 2 tuần trở lên được xếp vào nhóm tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy kéo dài dễ dẫn đến rối loạn hấp thu, mất nước, suy dinh dưỡng. Bạn không nên tự mua thuốc uống mà nên đưa bé đi khám để đánh giá đúng tình trạng và tìm ra cách chữa trị phù hợp nhất.
- Tôi không biết nguyên nhân vì sao cháu đến trường lại bị tiêu chảy nhiều hơn ở nhà? Mẹ có dùng thuốc smecta cho bé mỗi lần bé có dấu hiệu đau bụng trước khi đi học. Tôi thấy hiệu quả khá ổn nhưng không biết cần có những lưu ý đặc biệt gì khi dùng không, nhất là tôi cho bé dùng lâu dài, khoảng một năm nay rồi bác sĩ ạ? (Thế Minh, 40 tuổi, Quận 10, TP HCM)
Chào bạn,
Như ở trên nhiều lần đề cập, khi bé đến trường, nếu không đảm bảo vấn đề vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm thì tiêu chảy dễ xuất hiện và tái đi tái lại. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng có thể góp phần làm tình trạng này diễn ra kéo dài.
Nhìn chung, thuốc bạn đang dùng cho bé được xếp vào nhóm khá an toàn, có thể được sử dụng trên những bệnh nhân tiêu chảy với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc tự sử dụng thuốc kéo dài, cho dù có hiệu quả đi nữa, cũng không được khuyến khích. Tôi khuyên chị nên đưa bé đến bệnh viện nhi gần nhất để được khám và điều trị hợp lý.
- Thưa bác sĩ. Khi bé đau bụng và tiêu chảy nhiều lần trong ngày có cần đưa bé đến bác sĩ ngay hay có cách nào chữa cho bé ở nhà không? Em cảm ơn. (Hà Anh Thoa, 25 tuổi, Thanh Hóa)
Chào bạn,
Ở trên tôi có đề cập đến 4 nguyên tắc điều trị tiêu chảy ở trẻ em, là: uống nhiều hơn thường ngày, đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đưa bé đi khám bệnh và tái khám ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm.
Vậy việc đưa bé đi khám bệnh là cần thiết. Nếu chưa có điều kiện đi khám thì nên cho bé uống nhiều nước tại nhà (oresol, nước đun sôi để nguội, nước khoáng đóng chai, nước dừa tươi, nước trái cây, nước cháo...). Bạn nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất khi có điều kiện.
- Bé nhà em bị tiêu chảy 3 ngày nay, đưa đi khám bác sĩ bảo nên cho bé ở nhà chăm sóc để tránh lây cho các bạn khác. Tiêu chảy không phải do ăn uống hay thực phẩm mà còn vì nguyên nhân nào khác vậy bác sĩ? Bệnh tiêu chảy là bệnh lây phải không? Em cảm ơn. (Trang Hoàng, 25 tuổi, Bắc Giang)
Chào em,
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến tiêu chảy, trong đó nguyên nhân lây nhiễm là hàng đầu, nhất ở những nước đang phát triển như nước ta. Cụ thể, 50% các trường hợp tiêu chảy là do rotavirus gây ra. Khoảng 20-25% các trường hợp còn lại là do các tác nhân lây nhiễm khác như norovirus, adenovirus, E.coli, thương hàn, tả... Chỉ 20% còn lại là các nguyên nhân không lây như bất dung nạp, dị ứng, tâm lý, sau dùng kháng sinh... Vậy bé cần được chăm sóc tại nhà vừa giúp bé được theo dõi tốt hơn và tránh lây lan.
- Con em 11 tháng tuổi. Em cho bé uống sữa mẹ và sữa ngoài song song từ bé đến giờ. Nhưng trước kia thì em chỉ uống khoảng 120ml sữa ngoài. Còn lại là sữa mẹ. Khoảng một tuần gần đây em cai sữa mẹ cho con và tăng sữa ngoài lên. Bé bú rất tốt nhưng bị đi cầu ngày 6 lần. Trong khi lúc trước ngày có một lần thôi. Và em vẫn sử dụng sữa cũ không thay loại nào khác. Cho em hỏi bác sĩ là có phải con em bị tiêu chảy hay là bất nạp đường lactose ạ? (Phùng Vũ Hoài Thương, 25 tuổi, Tân Tạo, quận Bình Tân)
Chào bạn,
Việc giảm dần sữa mẹ và thay bằng sữa công thức chỉ nên làm khi thực sự cần thiết. Nếu bé ăn tốt thì vẫn nên duy trì sữa mẹ mà không cần phải thêm một loại sữa nào khác.
Trường hợp của bé khi tăng lượng sữa công thức thì đi cầu nhiều hơn có thể do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, bạn nên lưu ý về vệ sinh bình sữa, núm vú phải thật tốt. Càng tăng số cữ bú bình thì càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nếu bình sữa không đảm bảo vệ sinh.
Kế đến, cũng phải nghĩ về vấn đề dị ứng. Mặc dù bé đã uống sữa công thức trước đây nhưng cũng có những trường hợp khi tăng số lượng sữa công thức thì triệu chứng lộ ra rõ ràng hơn.
Vấn đề bất dung nạp đường lactose như bạn đề cập cũng là một khả năng. Bạn có thể thử pha sữa loãng gấp đôi bình thường so với hướng dẫn. Nếu triệu chứng đi cầu giảm hẳn thì có thể liên quan đến bất dung nạp đường lactose.
- Bé ở nhà em vừa bị tiêu chảy kéo dài gần nửa tháng khiến sức khỏe cháu ảnh hưởng nghiêm trọng. Cháu gầy và mất cảm giác ngon miệng khi ăn, biếng ăn và ăn rất ít. Tôi và mẹ cháu có thay đổi món ăn cháu thích nhưng không tiến triển. Xin bác sĩ tư vấn thêm. (Võ Can Trường, 35 tuổi, Hà Nội)
Chào bạn,
Tiêu chảy càng kéo dài càng gây cho cơ thể nhiều hậu quả. Trước mắt, bé sẽ có nguy cơ thiếu nước. Ngoài ra, bé sẽ giảm hấp thu những dưỡng chất cần thiết hàng ngày cho sự phát triển, trong đó, có những dưỡng chất giúp cho bé cảm giác ngon miệng. Tiêu chảy kéo dài cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhìn chung, những hậu quả trên đều có thể ảnh hưởng qua lại lẫn nhau làm cho tình trạng sức khỏe chung của bé ngày càng xấu đi, ăn uống sẽ không ngon miệng, sức đề kháng kém...
Việc phụ huynh cố gắng thay đổi món ăn cho cháu là điều đáng khích lệ và nên được duy trì. Tuy nhiên, nên lưu ý chọn loại thức ăn dễ tiêu nhiều chất bổ dưỡng như sữa chua, thịt gà nạc, cá tươi, trứng... Nếu bé còn bú mẹ, bạn nên cho bé bú thường xuyên hơn và bú lâu hơn thường ngày. Bạn cần đưa bé đến bệnh viện nhi gần nhất để được khám và điều trị hợp lý.
- 2 tháng gần đây bé nhà tôi đi phân lỏng, có mùi hôi, có bọt nữa. Từ khi sinh ra, bác sĩ đã bảo hệ tiêu hóa của bé yếu, tôi thường cho con ăn thức ăn lỏng. Nay bé được 6 tuổi rồi nhưng vẫn ăn cháo thường xuyên mỗi khi đau bụng. Có cách nào để giúp bé có hệ tiêu hóa tốt, tránh bị tiêu chảy thường xuyên không thưa bác sĩ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Huyền Thanh)
Chào bạn,
Thường bệnh lý tiêu chảy hay xảy ra ở trẻ nhỏ đặc biệt là độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Những trẻ lớn mà hay bị tiêu chảy thì phải cố gắng tìm ra nguyên nhân là gì để có hướng điều trị phù hợp.
Việc phân của bé lỏng, hôi và có bọt có thể do bé kém hấp thu thức ăn. Bên cạnh kém hấp thu, nhiễm trùng từ thực phẩm cũng nên được nghĩ tới khi bé đi học lớp một. Ngoài ra, yếu tố tâm lý khi bé chuyển từ mẫu giáo lên cấp tiểu học cũng cần được quan tâm.
Bé ăn cháo mỗi khi đau bụng thì cũng hợp lý. Nhưng khi bé khỏe thì nên được ăn thức ăn đặc vì khi bé nhai lâu sẽ giúp tiết nhiều nước bọt trong đó có chứa những loại men cần thiết cho tiêu hóa. Việc nhai lâu thức ăn đặc cũng giúp cho hàm của bé phát triển tốt, tạo điều kiện cho bé có một bộ răng đẹp sau này.
Để có một hệ tiêu hóa tốt ở độ tuổi này, nên khuyến khích bé ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua, hạn chế ăn thức ăn nhanh, thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra bé cũng nên được hướng dẫn cách rửa tay đúng để giúp giảm lây nhiễm từ chính đôi tay của mình.
- Thưa bác sĩ, bé nhà cháu bị sốt phải nằm viện một tuần. Trong lúc nằm viện chữa trị sốt, bé bị đi ngoài ngày 5-6 lần, bác sĩ cho uống men, B1 thì bé khỏi và được ra viện. Nhưng về nhà được một ngày bé lại sốt 38,5 độ 2 ngày và bị đi ngoài ngày hơn 10 lần, phân của bé lỏng, có bọt và nhầy. Bây giờ bác sĩ đang tiêm kháng sinh cho bé và ngày bé đi ngoài 3 lần, lần đầu phân sền sệt, 2 lần sau phân lỏng. Bác sĩ cho cháu hỏi như vậy bé nhà cháu có bị nhiễm rotavirus không hay là bị tiêu chảy thường ạ? Cháu cảm ơn. (Trần Nhất Hạnh, 29 tuổi, Tiền Giang)
Chào bạn,
Với những thông tin mà bạn mô tả thì rotavirus ít được nghĩ đến. Muốn biết chính xác có phải do rotavirus hay không, bác sĩ phải xét nghiệm tìm rotavirus trong phân.
Trường hợp con của bạn, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ đang điều trị để biết chẩn đoán bệnh của con mình.
- Bác sĩ cho em hỏi biểu hiện như thế nào để xác định được bé bị tiêu chảy và dấu hiệu nào nguy hiểm ạ? Cách phòng và điều trị cần lưu ý gì ạ? Em cảm ơn bác sĩ và chương trình. (Cao Ngọc Thiên Trúc, 29 tuổi, Quận 6)
Chào bạn,
Nếu bé ở độ tuổi 1-2 tháng thì tiêu chảy là khi bé đi phân lỏng nhiều hơn so với thường ngày. Nếu ở độ tuổi lớn hơn thì tiêu chảy được định nghĩa là đi trên 3 lần phân lỏng hoặc toàn nước trong 24 giờ.
Dấu hiệu nguy hiểm khi bị tiêu chảy là:
- Nôn tất cả mọi thứ: Bé nôn ra hết mọi thứ được đưa vào miệng như sữa, nước, thuốc...
- Không uống được hoặc bỏ bú: Đưa nước hoặc thuốc vào miệng thì bé từ chối hoặc không nuốt được. Sữa mẹ hoặc các loại sữa bú hàng ngày bé đều không uống được. Nhìn chung không thể đưa được thứ gì vào cơ thể bé thông qua miệng.
- Những ngày đầu bị bệnh bé không sốt thì sau đó xuất hiện sốt hoặc những ngày đầu sốt nhẹ nhưng sau đó sốt cao hơn cũng là một dấu hiệu nguy hiểm.
- Khát và uống háo hức: Bé đòi uống nước và uống một cách rất vồn vã, háo hức. Nếu chúng ta thử lấy nước khỏi tay bé thì bé òa khóc và đòi nước. Dấu hiệu này gợi ý cơ thể bé đang thiếu nước.
- Phân có máu: Nếu những ngày đầu bé đi phân lỏng toàn nước nhưng sau đó phụ huynh phát hiện có máu trong phân thì cũng là một dấu hiệu bé cần được tái khám ngay.
Ngoài 5 dấu hiệu kể trên, bé xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào khác mà phụ huynh không an tâm (ví dụ bé lừ đừ, mệt mỏi, co giật, trợn mắt...) thì cũng nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
- Thưa bác sĩ, con gái tôi hôm nay được 5 tháng tuổi. Cháu bị nấm quanh miệng, tôi đã đánh rơ bằng hợp chất nystatin được mấy hôm nhưng hôm nay cháu có biểu hiện đi ngoài phân loãng như nước liệu cháu có phải bị nấm ruột không ạ? (Lý Lam, 28 tuổi, Hà Nội)
Chào bạn,
Trước tiên xin chia sẻ những nguyên tắc điều trị nấm miệng. Nếu chúng ta làm đúng cách thì bệnh sẽ khỏi hẳn vì nấm là một bệnh rất dễ tái phát.
Nếu bé đang bú mẹ, bạn phải rơ thuốc cho miệng bé lẫn đầu vú mẹ (mặc dù mẹ hoàn toàn không bị nấm). Nếu chỉ rơ miệng bé thì đầu vú mẹ có thể là nơi chứa nấm và sẽ lây ngược lại cho bé ở những lần bú sau.
Nếu bé đang bú bình, tất cả núm vú phải được thay mới hoặc luộc vào nước sôi kỹ lưỡng và thường xuyên.
Sau khi rơ vài ngày thấy miệng bé đã sạch, bạn vẫn phải duy trì điều trị thêm một tuần nữa rồi mới ngưng thuốc. Nếu vội vã ngưng thuốc ngay khi thấy đã ổn, bệnh sẽ dễ tái phát.
Bé bị tiêu chảy khi đang điều trị nấm miệng không hẳn bệnh tiêu chảy này do nấm gây ra. Tiêu chảy do nấm thường chỉ xảy ra ở một số cơ địa đặc biệt như những trường hợp suy giảm miễn dịch. Để chẩn đoán xác định nguyên nhân tiêu chảy, bạn nên đưa con đi khám và làm xét nghiệm phân.
- Cháu nhà tôi bị tiêu chảy gần 5 ngày. Tôi đã đưa cháu đi khám và bác sĩ cho thuốc nhưng tình trạng cháu vẫn chưa khá hơn. Cháu chỉ đi tiêu ít hơn nhưng vẫn đi nhiều nước. Xin bác sĩ tư vấn cho trường hợp của cháu. (Bảo An, 19 tuổi, Huế)
Chào bạn,
Bạn nên đưa bé đi tái khám để nhân viên y tế có thể xem xét những biện pháp nào khác nhằm giúp bé cải thiện nhanh hơn. Những biện pháp đó có thể là: ngưng kháng sinh đang dùng nếu không cần thiết, tăng liều thuốc đang sử dụng hoặc phối hợp với thuốc khác, hướng dẫn một chế độ ăn ít hoặc không có đường lactose nếu nghĩ rằng bé đang bị bất dung nạp lactose...
Tóm lại bạn nên cho bé khám lại để có chuẩn đoán và điều trị phù hợp.
- Bé nhà tôi 5 tuổi, đang học mầm non. Dạo 2 tháng nay, bé bị phân lỏng ngày một, cách hôm lại bị, tôi mua thuốc trị tiệu chảy cho bé uống thì tình hình có đỡ hơn, nhưng bé lại không chịu uống vì sợ đắng. Làm cách nào để bé hết tiêu chảy hoặc không sợ thuốc? Có loại thuốc nào có mùi vị dễ chịu cho bé đỡ sợ không thưa bác sĩ? (Phạm Ngọc Hồng, số 54, Phước Vĩnh tây, Cần giuộc, Long An)
Chào bạn,
Để hết tiêu chảy, bạn nên cho bé đi khám bệnh để xác định rõ ràng nguyên nhân nào gây ra tình trạng tiêu chảy của bé và để có hướng điều trị thích hợp.
Để bé không sợ thuốc, có một số cách như sau:
- Chọn lựa những thuốc có mùi vị bé thích (nếu có).
- Lựa chọn những thuốc có thể pha vào trong thức ăn ví dụ loại thuốc chứa hoạt chất diosmectite là một trong số đó. Thuốc có hoạt chất này có thể pha trong yaourt, bột ăn dặm, cháo mà không ảnh hưởng đến mùi vị của thức ăn đó cũng như vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị.
- Nếu bé đã 5 tuổi, bạn trao đổi với bé tại sao cần phải uống thuốc bằng những câu chuyện dễ thương, thú vị với những hình ảnh nhân vật hoạt hình để bé cảm thấy việc uống thuốc trở nên thân thiện hơn, khen và thưởng bé khi bé làm tốt. Tuy nhiên, khi bé vẫn ngại uống thuốc cũng không nên la rầy hay chê bai mà cố gắng kiên nhẫn, động viên bé.
- Chào bác sĩ. Trong giai đoạn mang bầu, em cũng thường bị đau bụng tiêu chảy. Dù có ăn uống vệ sinh nhưng vẫn bị một vài lần đi tiêu bất thường, em có dùng thuốc nhưng cũng sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Bác sĩ có thể tư vấn thêm cho em được không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Thư, 28 tuổi, Q2, TP. HCM)
Chào bạn,
Dùng thuốc trong giai đoạn mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu là phải hết sức cẩn trọng và có ý kiến chuyên gia. Riêng tiêu chảy nếu chỉ bị nhẹ và thỉnh thoảng mới xảy ra thì diosmectite là một hoạt chất đã được phê duyệt cân nhắc sử dụng cho phụ nữ mang thai bởi những chuyên gia tiêu hóa cũng như các tổ chức quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam.
Về lý thuyết, diosmectite sau khi uống vào chỉ hoạt động trong lòng ruột mà không đi vào cơ thể. Hoạt chất này có tác dụng hấp phụ nước, tác nhân gây bệnh và độc tố của nó, giúp phân sệt lại và tống ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu tiêu chảy kéo dài hoặc lặp đi lại thì cũng nên đến cơ sở y tế để khám và chữa trị hiệu quả.
VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét