Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, một giấc ngủ ngon phải đảm bảo đầy đủ về mặt thời gian và chất lượng của giấc ngủ. Trong đó, thời gian ngủ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh ngủ từ 16 đến 20 tiếng một ngày, trẻ em dưới 14 tuổi ngủ trung bình khoảng 10 tiếng. Người trưởng thành 18-40 tuổi ngủ 8 tiếng và người già khoảng 6 tiếng một ngày.
Giấc ngủ được chia làm 2 giai đoạn là ngủ nông và ngủ sâu. Thời gian của giai đoạn ngủ sâu càng lâu thì chất lượng giấc ngủ càng tốt. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một giấc ngủ ngon.
Thiếu ngủ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng và không thể tập trung làm việc vào ngày hôm sau. Ảnh: CD |
Bác sĩ Hạnh cho biết, giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng trong cơ thể con người, giúp cơ thể tái tạo, loại bỏ và bài tiết các chất có hại trong cơ thể. Hiện nay có khoảng 60% người dân bị bệnh rối loạn giấc ngủ ở độ tuổi trưởng thành vì không đảm bảo được thời gian cũng như chất lượng giấc ngủ.
Nhiều người do đặc thù công việc nên phải thường xuyên thức khuya làm việc khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến tình trạng khó ngủ vào ban đêm. Thiếu ngủ và ngủ không ngon giấc làm người bệnh nhanh già, dễ cáu giận, căng thẳng, không thể tập trung làm việc vào hôm sau và phát sinh một số bệnh khác.
Theo bác sĩ, não bộ có cách ngủ riêng, giấc ngủ của não bộ không tính theo giờ giống mà tính theo chu kỳ. Nếu ngủ đủ chu kỳ của não bộ, mọi người sẽ có một cơ thể khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực khi thức dậy. Vì vậy, giấc ngủ có chất lượng tốt sẽ làm cho não bộ có thể nghỉ ngơi đầy đủ. Khi ngủ 5 tiếng nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, không bị mệt mỏi và mất tập trung vào hôm sau.
"Thông thường, người lớn cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng vào ban đêm. Tuy nhiên nếu công việc bắt buộc phải thức khuya để hoàn thành thì cần ngủ ít nhất là 5 tiếng", bác sĩ Hạnh khuyên.
Mất ngủ là loại rối loạn chiếm đa số trong các loại rối loạn giấc ngủ. Trong cuộc sống hiện đại, con người đang phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong cuộc sống sinh hoạt nên số người bị bệnh mất ngủ từ đó cũng tăng lên. Vì thế mất ngủ được xem như một "căn bệnh thời đại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét