Những năm gần đây, các phương pháp điều trị ung thư đạt được những bước tiến đáng kể song chi phí thuốc lại ngày một tăng, NBC News đưa tin. "Chi tiêu toàn cầu cho thuốc ung thư vào năm 2013 đạt 96 tỷ USD, đến năm 2017 đã tăng thành 133 tỷ USD", báo cáo của Viện Dữ liệu Khoa học Con người IQVIA (Mỹ) chỉ ra. "Đến năm 2022, con số này sẽ đạt 200 tỷ USD".
Riêng tại Mỹ, chỉ trong năm năm, giá trung bình thuốc chữa ung thư tăng gấp đôi, từ 79.000 USD năm 2013 lên 150.000 USD năm 2017. Bất chấp cam kết giảm giá thuốc kê theo toa của Tổng thống Donald Trump, giá leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại do một số nguyên nhân như thiếu cạnh tranh, thuế cao.
Mẫu máu của bệnh nhân ung thư điều trị theo liệu pháp tế bào T. Ảnh: AP. |
Năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt hai loại thuốc Kymriah và Yescarta điều trị ung thư máu, giá mỗi liệu trình từng loại thuốc là 475.000 USD (tương đương 10,8 tỷ đồng) và 373.000 USD (tương đương 8,5 tỷ đồng). Hoạt động trên nguyên tắc liệu pháp tế bào T, thuốc Kymriah và Yescarta hứa hẹn "hiệu quả thần kỳ" song chắc chắn vô dụng nếu bệnh nhân không thể chi trả.
"Hàng nghìn bệnh nhân kể với chúng tôi rằng họ phải giảm liều, cắt thuốc làm đôi, nhịn ăn, thậm chí tuyên bố phá sản vì tiền thuốc", ông Ben Wakana, giám đốc điều hành một nhóm vì quyền lợi bệnh nhân nói với NewYork Times.
Trên thực tế, rất ít bệnh nhân ung thư Mỹ có cơ hội sử dụng thuốc. Báo cáo của IQVIA cho thấy 87% dược phẩm điều trị ung thư năm 2017 được dùng cho chưa đến 10.000 người trong khi tổng số bệnh nhân ung thư ở Mỹ là hơn 1,6 triệu. "Nếu giới chức không hành động, bệnh nhân cùng gia đình sẽ bị tổn thương", ông Wakana nhấn mạnh. "Toàn bộ hệ thống sẽ bị đè nặng bởi những loại thuốc kỳ diệu không ai mua nổi".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét