Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Nhận biết thai phụ bị tiền sản giật bằng xét nghiệm máu mới

Hội thảo Khoa học "Vì sức khỏe phụ nữ, hôm nay và ngày mai" do Công ty Roche Việt Nam phối hợp cùng Hội Phụ sản Việt Nam và Hội Phụ Sản TP HCM vừa được tổ chức ở TP HCM. Trong sự kiện, các bác sĩ công bố kết quả nghiên cứu: tỷ lệ chất kháng tạo mạch trên chất tạo mạch (sFlt-1/PlGF) trong máu thai phụ càng cao thì nguy cơ bị tiền sản giật và kết cục thai kỳ xấu càng nặng.

Bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cảnh báo, tiền sản giật là một trong năm tai biến sản khoa nghiêm trọng trong thời kỳ thai nghén, thường gặp ở ba tháng cuối thai kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh suất và tử suất cho mẹ và bé như: đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung…

Theo thống kê toàn cầu, mỗi năm có 8,5 triệu phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tiền sản giật, khoảng 76.000 thai phụ tử vong và tình trạng này liên quan đến tăng huyết áp, 500.000 trẻ thiệt mạng vì tai biến này.

polyad

Hội thảo Khoa học "Vì sức khỏe phụ nữ, hôm nay và ngày mai" thu hút hơn 500 bác sĩ, chuyên gia tham dự.

Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của tiền sản giật thường xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi, phổ biến là cao huyết áp tăng và nồng độ đạm cao trong nước tiểu (protein niệu).

"Phát hiện sớm dấu hiệu tiền sản giật có ý nghĩa rất lớn, giúp bác sĩ lên kế hoạch can thiệp kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Hiện nay, tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật chủ yếu dựa vào huyết áp cao và nồng độ protein niệu (đạm niệu). Tiêu chuẩn này có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Sự ra đời của phương pháp xét nghiệm máu từ Roche có thể giúp phát hiện dấu hiệu triệu chứng sớm, hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán và tiên lượng ngắn hạn tiền sản giật.

Với phương pháp trên, sản phụ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu xác định tỷ số sFlt-1/PlGF (sFlt-1 là yếu tố kháng tạo mạch và PlGF là yếu tố tạo mạch).

Bình thường, nồng độ sFlt-1 và PlGF thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ. Ở thai phụ bị tiền sản giật, nồng độ PlGF giảm, sFlt-1 tăng cao hơn so với bình thường. Sự thay đổi này diễn ra trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng của tiền sản giật, dẫn đến tỷ số sFlt-1/PlGF tăng. Do vậy, có thể xem xét sự thay đổi nồng độ này để tiên lượng sớm tai biến.

Để phát hiện sớm và phòng ngừa tiền sản giật, bác sĩ Thanh khuyên phụ nữ mang thai nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Nếu nghi ngờ có nguy cơ bị tiền sản giật, bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ làm xét nghiệm máu nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc cho cả mẹ và bé.

polyad

Đại diện Roche Việt Nam trao tặng quỹ "Vì sức khỏe phụ nữ, hôm nay và ngày mai".

Roche là tập đoàn y khoa có tiếng trong lĩnh vực dược phẩm và chẩn đoán, tập trung vào khoa học tiên tiến, góp phần cải thiện cuộc sống con người, nhất là phụ nữ. Các chuyên gia của Roche đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe phụ nữ theo từng giai đoạn cuộc đời. Trong đó có hơn 47 xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi và hỗ trợ tiên lượng, được chia thành các nhóm như: bệnh lý phụ khoa, hỗ trợ sinh sản, xét nghiệm tiền sản không xâm lấn và chăm sóc thai kỳ, loãng xương, mãn kinh, ung thư…

Nhân dịp này, Roche Diagnostics Việt Nam ký thỏa thuận hỗ trợ 5 năm cho chương trình "Vì sức khỏe phụ nữ, hôm nay và ngày mai" với Báo Phụ nữ TP HCM nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho chị em cả nước. Đây là một phần trong chiến lược cam kết hỗ trợ cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người dân nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng của đơn vị này.

Thu Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến