Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, số người bệnh thủy đậu tăng cao với khoảng 3.000 bệnh nhân một tháng. Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng trăm người lớn mắc bệnh, trong đó có nhiều ca bị biến chứng nặng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não, nguy cơ tử vong cao.
Năm 2017 cả nước ghi nhận gần 40.000 người bệnh thủy đậu, tăng gần 50% so với năm 2016.
Nguyên nhân gây bệnh
Thủy đậu là bệnh lây nhiễm cao. Ngoài đường lây khi tiếp xúc thông thường về da, chạm vào nước dịch mụn nhọt, bệnh còn lây qua đường hô hấp hoặc dụng cụ sinh hoạt cá nhân.
Bệnh do virus Varicella-Zoster, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em nhóm tuổi đi học. Trẻ em 2-5 tuổi là nhóm dễ bị virus xâm nhập nhất vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Thông thường mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần và có miễn dịch ngay sau khi bị bệnh, tuy nhiên nếu sức đề kháng yếu thì bệnh vẫn có thể tái phát.
Triệu chứng
Thủy đậu thường không phát bệnh ngay khi virus xâm nhập mà ủ bệnh chừng 13-15 ngày. Trẻ vẫn ăn, tham gia hoạt động vui chơi bình thường, nếu cha mẹ lơ là sẽ không nhận ra thân nhiệt trẻ có thay đổi hoặc trẻ gãi ngứa trên người. Có khi phụ huynh tình cờ phát hiện một vài nốt lốm đốm đỏ trên đầu hay ở tay trẻ nhưng nghĩ rằng do côn trùng cắn nên chỉ rửa tay và thoa thuốc, vô tình làm bệnh lan nhanh hơn.
Sau thời gian ủ bệnh, trẻ sẽ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, đau nhức, ngứa và đốm đỏ mọc khắp người không theo một trình tự nào. Lúc đầu nốt đậu có màu trong, sau đó chuyển dần sang màu đục vì có mủ. Thoạt đầu trông mụn như giọt nước, nếu lấy ngón tay căng nốt phỏng ra sẽ thấy mặt phẳng nhăn lại. Mụn có thể mọc thưa nhưng đôi khi mọc chi chít ngay cả ở niêm mạc miệng hay kết mạc mắt. Vì mụn không mọc cùng một lúc mà chia thành từng đợt cách nhau, nên có rất nhiều loại mụn trên cơ thể, nốt to, nốt nhỏ, nốt đỏ hay đã đóng vảy.
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng thì bệnh thường nặng hơn, các nốt phỏng dễ bị loét hoặc hoại tử. Trẻ có thể bị viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, viêm màng não nước trong.
Chế độ dinh dưỡng
Nếu trẻ được điều trị đúng cách thì sau khoảng 15 ngày các nốt phỏng sẽ xẹp và bong vảy. Trong thời gian phát bệnh, bố mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các món ăn phải dễ tiêu, ví dụ như cháo. Theo kinh nghiệm dân gian, có một số món cháo được cho là rất tốt cho trẻ bị thủy đậu:
- Cháo đậu xanh: Nước đậu xanh pha với đường hoặc nấu cháo với các loại đậu rất mát, tốt cho trẻ bệnh.
- Cháo lá sen: Sen được biết đến như một loại hoa đa năng vì không chỉ có hạt, nhụy mà lá sen cũng có thể làm thực phẩm rất ngon. Với trẻ bị thủy đậu, nấu 100 g lá sen tươi với gạo lứt, thêm chút đường phèn, cho trẻ uống cách ngày.
- Cháo lá tre: Món này được cho là chữa bệnh thủy đậu rất hiệu quả. Cách làm là lấy lá tre non tươi, rửa sạch và chần qua nước sôi để loại bỏ vi trùng trước khi nấu cháo.
- Cho trẻ dùng nước súp gà, nước hầm xương heo. Nên cho trẻ uống thường xuyên để bù lại lượng nước mất do mụn vỡ. Kiêng các thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đó.
- Bổ sung dầu ăn vào thực đơn của trẻ. Chú ý cung cấp đủ 4 nhóm thức ăn: bột đường, đạm, chất béo và vitamin khoáng tố, đồng thời nhớ bổ sung kẽm. Dầu ăn còn là môi trường cho các vitamin A, D, E, F, K được hòa tan và hấp thu vào cơ thể, là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu khi cơ thể trẻ đang suy yếu. Tuy nhiên vì trẻ vẫn còn đang bệnh nên bố mẹ phải lựa chọn kỹ dầu ăn sao cho an toàn, phù hợp để bổ sung dinh dưỡng và giúp gia tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ.
Lưu ý trong điều trị
Trẻ em chưa ý thức được mức độ nguy hiểm và các biến chứng của bệnh nên hay gãi khi bị ngứa rồi vệ sinh tay chân không sạch. Nếu cha mẹ không chú ý, nốt loét có thể bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn da hoặc nhiễm khuẩn máu. Tuy thủy đậu là một bệnh nhẹ và dễ điều trị nhưng cha mẹ cần phải chăm sóc trẻ một cách kỹ lưỡng chu đáo.
Trẻ bị nhiễm bệnh cần được chăm sóc kỹ càng, chu đáo và cách ly tại nhà trong suốt thời gian bệnh cho tới khi hoàn toàn khỏi bệnh. Vì bệnh lây lan rất nhanh nên dù bé chỉ còn là một vài nốt đậu cũng cần phải cách ly với các trẻ khác, ngay cả người lớn chưa bị bệnh này cũng phải tránh tiếp xúc, không nên chủ quan. Luôn giữ da trẻ thật sạch sẽ. Không cho trẻ mặc áo quá dày vì dễ cọ xát làm vỡ mụn. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc. Cắt móng tay, móng chân thường xuyên.
Khi nốt phỏng bị vỡ, cha mẹ chỉ nên bôi thuốc xanh metylen. Tuyệt đối không bôi thuốc mỡ kháng sinh và thuốc đỏ. Nếu thực sự cần thiết thì nên hỏi bác sĩ về liều lượng sử dụng. Trẻ bị loét vài nốt mụn, có thể dùng nước oxy già rửa sạch vết loét và lấy bông thấm khô rồi bỏ bông vào túi nilon cho vào thùng rác để loại trừ nguồn lây bệnh.
Phòng bệnh
Thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm văcxin là cách phòng bệnh hiệu quả. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh được hoàn toàn căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng song thường nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), không gặp biến chứng. Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều văxin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất sáu tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ba tháng. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm văcxin này.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét