Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Nữ tiến sĩ có nhiều nghiên cứu quốc tế về ung thư

Tiến sĩ Hà Phương Thư là một trong hai nhà khoa học tiêu biểu được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn gần đây. Ở tuổi 43, cô được vinh danh nhờ hoạt động tích cực trong lĩnh vực nano y sinh, gặt hái nhiều thành tích quốc tế suốt 20 năm qua.

Tiến sĩ Thư hiện đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học Vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Trước đó, cô từng công tác nhiều năm tại Trung tâm Năng lượng Nguyên tử CEA (Pháp) và Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản).

Năm 2017, nữ tiến sĩ lọt vào danh sách "50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017" do Forbes Việt Nam bình chọn. Cô cũng nằm trong top 10 người nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì những đóng góp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong 30 công trình quốc tế đã công bố, nhiều nghiên cứu của nữ tiến sĩ tập trung vào điều chế dược liệu hỗ trợ điều trị ung thư, dựa trên công nghệ nano y sinh. Đề tài "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư" từng nhận giải thưởng L'Oreal UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" năm 2012.  

Tiến sĩ Hà Phương Thư năm nay 43 tuổi.

Tiến sĩ Hà Phương Thư năm nay 43 tuổi.

Nghiên cứu khoa học mới đây nhất được công bố cuối năm 2016. Nữ tiến sĩ chế tạo thành công phức hệ Nano FGC gồm 3 chất curcumin (nghệ), fucoidan (tảo biển nâu), saponin notoginseng (tam thất) ở kích thước nano. Chúng đều là những thành phần giúp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ của hóa - xạ trị, ngăn ngừa suy kiệt cho bệnh nhân ung thư.

Cô cho biết, lâu nay việc dùng trực tiếp nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả, vì curcumin khó tan, hấp thu kém; hàm lượng notoginseng trong tam thất thấp. Song khi kết hợp với nhau, độ tan của curcumin tăng lên gấp hàng nghìn lần.

Khả năng bao gói bảo vệ bộ 3 hoạt chất khỏi các rào cản sinh học cũng được tối ưu hóa, nhờ đó nâng cao thời gian lưu thông trong máu, tập trung quanh vùng có khối u. Các hạt nano có thể chui vào khối u, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mà không làm hại các tế bào lành.

Bước đầu, sản phẩm ứng dụng phức hệ Nano FGC được thử nghiệm tại Học viện Quân y trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt của chuột. Kết quả cho thấy, phức hệ Nano FGC có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỷ lệ sống sót, tăng đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu so với nhóm chứng.

Để nhân rộng nghiên cứu tới nhiều bệnh nhân ung bướu, nguồn nguyên liệu phức hệ Nano FGC đã được Tiến sĩ Hà Phương Thư tiếp tục chuyển giao cho doanh nghiệp.

An San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến