Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gặp ở người cao tuổi

Tại Hội thảo khoa học thường niên với chủ đề "Cá thể hoá điều trị COPD", các chuyên gia đã cập nhật nhiều kiến thức lâm sàng trong việc quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chương trình do Hội Hô Hấp Việt Nam, Hội Hô hấp TP HCM phối hợp văn phòng đại diện GSK Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội và TP HCM.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp ở người cao tuổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong cao. Tại Việt Nam, dân số già hóa khiến bệnh có xu hướng gia tăng. COPD được đưa vào chương trình mục tiêu của quốc gia, do phác đồ điều trị bệnh vẫn gặp nhiều thách thức.

Ước tính, cứ 100 người Việt Nam sẽ có 2-6 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi nghề nghiệp trong thời gian dài… Mặc dù COPD có thể dự phòng và điều trị, song người bệnh khó cách ly hoàn toàn khỏi các yếu tố nguy cơ này.

Người mắc bệnh giai đoạn I và II thường có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài, khó thở. Sang giai đoạn III và IV, bệnh nhân ở thể nặng hơn, khó thở thường xuyên hơn, khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi khi mắc phải các đợt kịch phát. Những biểu hiện phù chân, tím môi... có thể xuất hiện kèm theo trong giai đoạn nặng.

COPD Foundation

Người cao tuổi nên đi khám ngay nếu ho kéo dài, có đờm và khó thở khi làm nặng. Ảnh: COPD Foundation

Người cao tuổi nên đi khám ngay nếu ho kéo dài, có đờm và khó thở khi làm nặng. Hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá, giữ vệ sinh nơi ở và chốn làm việc thông thoáng, ít khói bụi sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, cần chủ động tập thể dục thể thao, tập thở và giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.

COPD làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, loãng xương, thậm chí ung thư phổi. Chi phí điều trị tốn kém và lâu dài, nên người bệnh dễ nản lòng, bỏ dở phác đồ của bác sĩ. Để tối ưu hiệu quả kiểm soát COPD, các chuyên gia y tế đầu ngành khuyến cáo nên cá thể hóa điều trị, kết hợp liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc theo tình trạng mỗi bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, COPD là bệnh mạn tính với nhiều biểu hiện khác nhau. Chẩn đoán và phân loại đúng bệnh sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị và thuốc thích hợp với từng cá thể bệnh nhân. Điều này giúp tránh việc phải đổi thuốc nhiều lần khi bệnh nhân không đáp ứng. Kiểm soát bệnh tốt hơn sẽ giúp làm giảm độ nặng của bệnh nhiều hơn, từ đó góp phần giảm gánh nặng kinh tế.

An San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến