Thuyên tắc ối hiếm gặp nhưng nguy hiểm với mẹ bầu. Theo Thư viện Y khoa Mỹ, cứ 8.000-80.000 ca sinh thì có một trường hợp gặp phải tai biến sản khoa này. Hội chứng khởi phát nhanh, có thể xảy ra trước, trong và sau khi sinh. Ngoài ra, có thể xuất hiện trong quá trình nạo phá thai, truyền dịch ối, chấn thương vùng bụng…
Thư viện Y khoa Mỹ cũng ghi nhận, tỷ lệ sản phụ tử vong khoảng 80%. Trong đó, 50% sản phụ chết trong giờ đầu khởi phát triệu chứng, trường hợp cứu được cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Nguyên nhân do vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung, áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch làm dịch nước ối tràn vào tĩnh mạch tử cung, gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ. Thai phụ có hiểu hiện suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
Thuyên tắc ối xảy ra không có dấu hiệu báo trước, nên khó dự phòng và chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, biểu hiện sốc phản vệ thuyên tắc ối dễ bị nhầm lẫn với sốc nhiễm trùng ở các sản phụ đẻ non, ra máu nhiều lần, cổ tử ung mở.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt cho biết, sốc nhiễm trùng là loại nhiễm trùng xảy ra tại chỗ, khi cổ tử cũng mở, giải phóng ra các chất gọi chung là cytokine. Trong đó, TFN –alpha (chất hoại tử khối u alpha) là một loại cytokine nguy hiểm, nồng độ nhỏ cũng có thể gây suy hệ tuần hoàn như tắc mạch ối.
Thuyên tắc ối hiếm gặp nhưng nguy hiểm với mẹ bầu. |
Thuyên tắc ối có thể gặp ở bất kỳ sản phụ nào, không phân biệt tuổi tác, tình trạng sức khỏe… Nguy cơ xảy ra cao hơn đối với sản phụ bị nhau tiền đạo. Khi một phần hoặc tất cả bánh nhau nằm vắt ngang qua cổ tử cung, mạch máu dễ rách khi thai phụ chuyển dạ, nước ối đi vào tĩnh mạch ở thành tử cung và tuần hoàn của thai phụ dẫn đến tai biến sản khoa.
Nhiều người cho rằng, mổ đẻ giúp tránh được nguy cơ thuyên tắc ối. Song theo bác sĩ Đông, các thành phần bong tróc của thai nhi trong dịch ối có thể vào hệ tĩnh mạch mẹ, thông qua tĩnh mạch cổ trong cổ tử cung, gây phản ứng trong suốt cuộc chuyển dạ sinh thường hoặc sinh mổ. Vì vậy, sinh mổ cũng có rủi ro bị thuyên tắc ối.
Bác sĩ Đông dẫn ví dụ về trường hợp thuyên tắc ối gần đây nhất tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Sản phụ được gia đình đưa đến bệnh viện mổ đẻ lần 2 vào tháng 6/2017. Sức khỏe thai phụ hoàn toàn bình thường lúc trước và trong khi phẫu thuật, em bé sinh ra khỏe mạnh nặng 3,2 kg. Tuy nhiên, khi chuẩn bị khâu thành bụng, sản phụ đột ngột ngừng thở, huyết áp tụt nhanh. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, song do thuyên tắc ối khởi phát quá nhanh, thai phụ không qua khỏi.
Ca thuyên tắc ối gần đây xuất hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. |
Bác sĩ Đông lưu ý, hiện thuyên tắc mắc ối vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để phòng ngừa là điều trị các bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục, hạn chế nạo hút thai tại các cơ sở không uy tín, nhằm hạn chế nguy cơ khởi phát bệnh.
An San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét