Có kiến thức về tan máu bẩm sinh sẽ giúp nhiều người loại trừ được căn bệnh này. |
Truyền máu, thải sắt suốt đời vì bệnh
Chỉ mới ở tháng thứ 3 của thai kỳ, chị Thùy Ngân ở quận Tân Phú thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, da dẻ xanh xao. Nghĩ là cơ thể thay đổi do mang thai nên chị chỉ bồi bổ bình thường. Sau một thời gian tình hình vẫn không cải thiện. Tiến hành các xét nghiệm, gia đình mới biết chị Ngân bị tan máu bẩm sinh, hay còn gọi là bệnh Thalassemia.
Trường hợp của chị Ngân là một trong số hơn 10 triệu người Việt mang gen bệnh tan máu bẩm sinh trên khắp cả nước. Đây là một căn bệnh không mới trên thế giới, nhưng tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam chứng bệnh ngày càng bùng phát do thiếu kiến thức, thông tin. Sau khi ra đời con của chị được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Thalassemia do cả bố mẹ đều mang trong mình gen bệnh ở thể nhẹ. Cả hai vợ chồng chị Ngân đều là những người trẻ, tri thức nhưng thực tế lại thiếu kiến thức về bệnh, không xét nghiệm các bệnh di truyền trước hôn nhân và trước sinh con. Hậu quả là con đầu lòng của anh chị mắc phải chứng tan máu bẩm sinh, có thể sẽ phải theo phác đồ điều trị là truyền máu và thải sắt suốt đời
Ngày nay không thiếu những trường hợp như vợ chồng chị Ngân, chỉ vì thiếu kiến thức về bệnh khiến số lượng trẻ sinh ra mắc phải chứng tan máu bẩm sinh ngày một tăng. Theo ước tính, hiện nay tại Việt Nam đã có hơn 20.000 người mắc bệnh này.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam nhấn mạnh rằng, bệnh tan máu bẩm sinh đang âm thầm như quả bom nguyên tử đã phát nổ nhưng không ra tiếng vì hầu hết người dân còn thờ ơ, dù bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ trẻ nào, không phân biệt khu vực, giới tính hay vùng miền. Điều này vô cùng nghiêm trọng bởi một khi bệnh nhân rộng ở thế hệ tiếp nối sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng trong xã hội, những tác động, biến chứng của bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến một thế hệ mới của đất nước.
Xét nghiệm tiền hôn nhân
Tan máu bẩm sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn gián tiếp tạo nên gánh nặng kinh tế cho những gia đình trẻ. Họ phải lo cho con theo phác đồ điều trị đến hết đời, kèm theo đó là áp lực tâm lý nặng nề vì phải giúp bé hòa nhập vời cuộc sống nếu gặp phải khiếm khuyết ngoại hình do biến chứng của bệnh.
Hình ảnh tại tọa đàm "Cùng con đương đầu với Thalassemia" được tổ chức vào ngày 29/11 vừa qua. |
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, cách tốt nhất để ngăn chặn chứng bệnh này là hạn chế những tác động tiêu cực đến thế hệ sau, vận động tuyên truyền cho lớp trẻ, những người đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân về cơ chế di truyền của bệnh (25% con chung của hai người có gen bệnh sẽ mắc phải Thalassemia mức độ nặng, 50% khả năng con bị mức độ nhẹ hoặc là người mang gen và 25% khả năng con bình thường) để có hướng phòng ngừa.
Bên cạnh đó, xét nghiệm tiền hôn nhân là một trong những cách phòng chống bệnh tốt nhất. Từ đó sẽ hạn chế việc tạo ra một thế hệ tiếp nối với sức thể chất yếu kém vì ảnh hưởng của bệnh, giảm bớt tình trạng những gia đình hạt nhân sớm phải gánh áp lực kinh tế và tinh thần.
Nguyễn Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét