Táo bón là khi bé đi tiêu thưa thớt (dưới 3 lần mỗi tuần) hoặc đi tiêu khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn…). Trẻ bị táo bón kéo dài được gọi là táo bón mạn tính, cần sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, sinh hoạt đến trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.
Đến 95% các bé bị táo bón không tìm ra nguyên nhân, nghĩa là thăm khám và làm các xét nghiệm thông thường (thử máu, siêu âm, X quang) không thấy bất thường. Những trường hợp này gọi là táo bón chức năng. 5% trường hợp là táo bón thực thể, tức là táo bón do một bệnh nào đó gây ra như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp trạng bẩm sinh, ngộ độc chì, các trường hợp tổn thương hay dị dạng cột sống vùng cùng cụt (vùng sát gần mông), dị dạng hậu môn… Những trường hợp táo bón thực thể cần điều trị bệnh lý gốc gây ra.
Đối với trường hợp táo bón chức năng, yếu tố gây bệnh có thể được giải thích bởi sự chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa, hoặc chế độ ăn và sinh hoạt chưa hợp lý. Tuy nhiên, yếu tố được nhắc đến nhiều nhất là hành vi nín nhịn. Có thể do bé sợ nhà vệ sinh bẩn hoặc sợ đau do một lần đi tiêu phân cứng.
Khi nín như vậy phân sẽ khô trong trực tràng (đoạn ruột cuối trước khi thải ra hậu môn), ngày càng tích tụ to, gây đau nhiều hơn. Bé càng thêm ác cảm chuyện đi tiêu, sau đó nín nhịn, và lại đau hơn trong lần đi tiêu kế.
Việc điều trị táo bón cho trẻ đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn vì táo bón không hết nhanh như các bệnh cảm sốt thông thường và các bé cũng ít chịu hợp tác. Điều trị táo bón cần kết hợp giữa sự thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi tiêu, hoạt động thể chất với việc dùng thuốc, nếu có. Đôi khi phải cần đến chuyên gia tâm lý.
Bố mẹ nên tập cho con thói quen đi tiêu hàng ngày, vừa giúp bé có phản xạ đi tiêu, vừa giúp loại bỏ phân không để ứ quá lâu trong trực tràng. Hàng ngày, bé nên được tập đi tiêu một hoặc nhiều lần vào những giờ nhất định nào đó, nếu sau 15 phút bé không cảm thấy mắc đại tiện thì thôi, lặp lại vào hôm sau. Phụ huynh cũng nên khen khi bé chịu vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô đi tiêu và kịp thời có những phần thưởng nhỏ khi bé tự đi tiêu.
Đối với bé nhỏ dưới 6 tháng tuổi, phụ huynh có thể massage bụng cho bé mỗi ngày. Theo đó, bạn chọn lúc bé chưa bú, bụng còn trống, lý tưởng nhất là sau khi tắm; đặt bé nằm ngửa, xoa dầu massage vào tay và massage bụng của bé, quanh rốn và theo chiều kim đồng hồ. Động tác này có thể giúp bé đi vệ sinh thường xuyên hơn.
Chất xơ và nước uống là 2 yếu tố quan trọng khác. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau tươi và các loại bột ngũ cốc nguyên cám (các loại bột ngũ cốc ăn sáng, bánh mì đen…) nên có trong bữa ăn hàng ngày của bé. Trẻ em thường ít chịu ăn rau quả nên cần phải có sự hỗ trợ, khuyến khích của cha mẹ. Nước chín, nước ép trái cây hữu ích trong việc điều trị táo bón. Bé cần được uống đủ nhu cầu nước mỗi ngày, nhất là ở những nước có khí hậu nóng như Việt Nam. Ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích bé hoạt động thể lực, tránh ngồi yên một chỗ giúp tăng cường nhu động ruột, tránh táo bón.
Nếu việc thay đổi chế độ ăn, thói quen sinh hoạt nêu trên vẫn chưa mang lại hiệu quả thì dùng thuốc là biện pháp cần thiết. Những loại thuốc chứa hoạt chất lactulose được chứng minh tính hiệu quả và an toàn. Lactulose giúp làm mềm phân, dễ đi tiêu và còn giúp duy trì các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn
Phó chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại Học Y Dược TP HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét