Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết nhiều phụ huynh nghĩ rằng vắt chanh vào miệng trẻ sẽ giúp cơn co giật kết thúc. Trên thực tế hành động này rất nguy hiểm. Lúc này đường thở của trẻ không hoạt động, đưa chanh vào miệng có thể khi tuột vào bên trong gây hóc dị vật đường thở, thậm chí khiến trẻ tím tái, ngưng thở.
Theo bác sĩ Phương, đây chỉ là một trong nhiều sai lầm phổ biến mà phụ huynh xử lý khi trẻ lên cơn sốt cao co giật. Mỗi tháng khoa tiếp nhận khoảng 10 trẻ cấp cứu liên quan đến co giật, động kinh. Không ít trường hợp cha mẹ làm theo các kinh nghiệm truyền miệng hoặc chỉ dẫn của bạn bè, thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng khiến trẻ gặp nguy.
Xử trí đúng cách trẻ sốt cao co giật
"Trẻ 5- 6 tháng tuổi khi sốt cao trên 39 độ C có khả năng co giật lành tính. Đây là những cơn co giật thường ngắn, kéo dài tối đa 1-2 phút và sau cơn co giật, bệnh nhân sẽ tỉnh táo, không để lại di chứng", bác sĩ Phương phân tích.
Nếu bé không sốt mà vẫn co giật, sau co giật bị liệt nửa người hoặc hôn mê, để lại di chứng thì liên quan đến bệnh lý, đa số là bệnh lý thần kinh trung ương. Hay gặp nhất là bệnh động kinh, nhiễm khuẩn ở hệ thần kinh trung uơng như viêm màng não do siêu vi, rối loạn điện giải do tiêu chảy, mất nước do hạ hoặc tăng natri trong máu gây co giật. Sau khi bệnh nhân bị chấn thương phù não cũng có thể gây co giật. Những bệnh lý này chỉ chiếm khoảng 20% ca nhập viện, còn lại đa số lành tính.
Bác sĩ Phương khuyến cáo khi co giật trẻ thường mất ý thức, mất phản xạ hầu họng, biểu hiện hít sặc. Di chứng thường gặp nhất là tình trạng thiếu oxy ở não. Phụ huynh cần tìm cách làm cho đờm nhớt từ miệng bé chảy ra để không thiếu oxy, ngửa đầu trẻ giúp thông thoáng đường thở.
Mỗi tháng BV Nhi đồng 1 cấp cứu khoảng 10 trẻ cấp cứu liên quan đến co giật, động kinh. Ảnh: T.P |
Theo bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, khi trẻ co giật không cần cho hạ sốt ngay. Nhiều phụ huynh thường thấy trẻ giật, gồng cứng nên hoảng loạn dẫn đến xử trí sai lầm. Tuyệt đối không giữ chặt trẻ, không vì sợ bé cắn lưỡi mà đưa đồ vật, ngón tay vào miệng trẻ... dẫn đến nguy cơ chấn thương, hít sặc.
Cần bình tĩnh xử trí bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng lên một mặt phẳng an toàn và quan sát, theo dõi cơn co giật. Nếu cơn dưới 5 phút, cần ổn định trẻ sau đó đưa đến bác sĩ. Co giật trên 5 phút, đưa trẻ vào bệnh viện ngay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét