Virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung - căn bệnh cướp đi sinh mạng của nhiều phụ nữ. Bệnh thường được phát hiện ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, nhưng virus HPV có thể đã âm thầm tồn tại và phát triển trong cơ thể 10-20 năm trước.
"Song, khoảng 80% các trường hợp nhiễm virus HPV sẽ được cơ thể tự đào thải trong sáu tháng", Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM khẳng định.
Mặc dù vậy, các trường hợp nhiễm kéo dài, virus có thể gây biến đổi tế bào cổ tử cung, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các thương tổn tiền ung thư và cuối cùng tiến triển đến ung thư. Thường mất nhiều năm để tiến triển đến ung thư cổ tử cung.
Những phụ nữ nhiễm HPV sẽ là nguồn lây nhiễm, có thể lây cho bạn tình. Người nhiễm thường không có triệu chứng nên khó có thể nhận biết. Chỉ phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm tìm virus trong dịch hay tế bào phết từ cổ tử cung âm đạo (dùng chung với mẫu xét nghiệm Pap) mới có thể giúp xác định nhiễm virus hay không. Phương pháp này hiện được áp dụng như là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Thế nhưng, đa số phụ nữ, nhất là người trẻ hiện nay chưa có thói quen khám phụ khoa và kiểm tra xét nghiệm định kỳ. Nhiều trường hợp khi có triệu chứng nghiêm trọng như xuất huyết hoặc đau không chịu nổi mới đi khám. Lúc này, quá trình điều trị phức tạp hơn.
Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ để tầm soát ung thư cổ tử cung. |
Ung thư cổ tử cung tiến triển qua nhiều giai đoạn, bắt đầu ở giai đoạn tiền ung thư khi tế bào ung thư mới hình thành, bác sĩ có thể phát hiện tế bào bất thường trong lớp tế bào lót bên ngoài cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap.
Phải mất một khoảng thời gian rất lâu hàng chục năm để các tế bào bất thường ở giai đoạn tiền ung thư ban đầu này phát triển và xâm lấn qua khỏi lớp lót để thành ung thư xâm lấn. Ban đầu tổn thương ung thư chỉ khu trú ở cổ tử cung nhưng sau đó lan dần ra xung quanh như lên thân tử cung, xuống âm đạo, ra xung quanh tử cung, bàng quang, trực tràng. Ung thư còn có thể cho di căn nơi khác như di căn hạch vùng bụng và di căn xa đến phổi, gan, xương…
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu nhiễm virus HPV, nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm văcxin. Bác sĩ Ngọc Linh cho biết, văcxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể tiêm cho nữ giới 9-26 tuổi, dù đã quan hệ tình dục hay chưa và có hiệu quả bảo vệ cao. Ngoài ung thư cổ tử cung, vắc xin này còn có tác dụng phòng ngừa mụn cóc sinh dục (sùi mào gà), ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn…
Song song với việc tiêm ngừa, chị em nên xét nghiệm tầm soát và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Theo khuyến cáo, phụ nữ 21-29 tuổi nên xét nghiệm tế bào học đơn thuần ít nhất ba năm một lần. Ở độ tuổi 30-65, phải thực hiện xét nghiệm HPV và tế bào học mỗi năm năm để được bảo vệ an toàn khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
An Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét