Thạc sĩ, bác sĩ Lê Khắc Bảo, giảng viên ĐH Y dược TP HCM cho biết, ho ra máu là tình trạng chảy máu từ đường hô hấp dưới và được khạc ra ngoài khi bệnh nhân ho. Ho ra máu cần được phân biệt với ói ra máu hay chảy máu từ đường hô hấp trên, trong đó có chảy máu cam.
Trường hợp ói ra máu là máu chảy ra từ đường tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng và chảy ra ngoài khi bệnh nhân ói. Máu thường có màu đỏ sậm vì đã chảy ra sẵn trong dạ dày từ trước rồi. Một đặc điểm để phân biệt nữa là chảy máu tiêu hóa thường kèm theo đi cầu phân màu đen như hắc ín. Trường hợp chảy máu cam, chảy máu từ khu vực tai mũi họng, máu cũng có màu đỏ tươi nhưng thường có thể thấy ngay là máu chảy ra từ mũi, bệnh nhân có thể không có ho mà máu vẫn chảy.
Ho ra máu có nhiều nguyên nhân khác nhau và việc chẩn đoán không phải dễ dàng. Ảnh minh họa: homeremedies. |
Theo bác sĩ Bảo, thông thường người bệnh cảm thấy ngứa vùng cổ, ngột ngạt khó chịu trong ngực sau đó ho mạnh và thấy có máu. Ho ra máu thường có máu màu đỏ tươi, có lẫn bọt khí vì xuất phát từ đường hô hấp có nhiều khí.
Ho ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, thay đổi từ bệnh hết sức nhẹ nhàng như viêm phế quản cấp cho đến bệnh nặng hơn nhiều như ung thư phế quản. Ho ra máu có thể do nguyên nhân hiển nhiên, tức là chỉ nhìn sơ qua là thấy ngay như sau chấn thương lồng ngực, sau khi hít phải dị vật ví dụ xương cá, rối loạn đông máu nặng, tai biến can thiệp y khoa chọc dò hoặc dẫn lưu màng phổi. Ho ra máu có những nguyên nhân thường gặp như lao phổi, ung thư phế quản, giãn phế quản, phù phổi, thuyên tắc động mạch phổi... Ho ra máu cũng có thể do u lành phế quản, u mạch máu đơn độc, xuất huyết phế nang, dị dật mạch máu, vỡ phình động mạch chủ, bệnh nhân mở khí quản...
Mức độ nguy hiểm của ho ra máu thay đổi tùy theo mức độ chảy máu, mức độ tắc nghẽn đường thở và nguyên nhân gây ho ra máu. Ho ra máu lượng nhiều sẽ nguy hiểm hơn ho ra máu lượng ít. Ho ra máu được gọi là nhiều khi tổng lượng máu ho ra trên 200ml/ngày hoặc trên 50ml/lần ho. Ho ra máu lượng nhiều rất nguy hiểm vì máu chảy ra sẽ gây tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân không thở được nữa và sẽ chết ngạt. Ho ra máu lượng nhiều tái đi tái lại sẽ làm giảm thể tích máu trong cơ thể, người bệnh sẽ bị thiếu máu.
Ho ra máu do ung thư phế quản cho dù không nguy hiểm trước mắt nếu lượng ít nhưng vì ung thư phế quản trong đa số trường hợp là không điều trị được nên tiên lượng lâu dài xấu hơn. Ngược lại ho ra máu do lao phổi trước mắt tuy lượng máu nhiều đe dọa tử vong nhưng nếu qua được giai đoạn cấp tính này và điều trị lao thành công thì lại không còn nguy hiểm nữa vì cơ bản là bệnh lao ngày nay đã có thể điều trị được.
"Vì ho ra máu có diễn tiến bất thường không thể tiên lượng được nên hễ có ho ra máu phải đến khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời nhằm tránh diễn tiến nặng", bác sĩ Bảo nhấn mạnh.
Có thể căn cứ vào diễn tiến về số lượng máu ho ra, màu sắc máu, tần suất ho để chẩn đoán máu đã ngưng hay tiếp tục còn chảy. Nếu lượng máu ho ra tăng dần lên, màu sắc đỏ tươi, khoảng cách thời gian giữa hai lần càng lúc càng gần lại thì rõ ràng ho ra máu đang tiếp tục tiến triển. Ngược lại nếu lượng máu ho ra giảm dần, màu sắc đen dần, khoảng cách thời gian giữa hai lần ho ra máu xa dần thì ho ra máu đã ngưng chảy rồi.
Bác sĩ Bảo khuyến cáo, ho ra máu có nhiều nguyên nhân khác nhau và việc chẩn đoán không phải dễ dàng. Do đó mỗi khi có ho ra máu cần phải đi khám bác sĩ để có thể phát hiện nguyên nhân, từ đó có hướng can thiệp điều trị phù hợp.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét