Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết phụ huynh thường quan tâm đến việc làm sao cho trẻ biết nói và tìm đủ phương cách để giúp bé tập nói. Khó khăn khi tập nói thường gặp ở trẻ được chẩn đoán tự kỷ hoặc rối loạn ngôn ngữ, rối loạn diễn đạt, chậm phát triển trí tuệ. Cả phụ huynh và trẻ đều căng thẳng. Cha mẹ thì bận tâm "vì sao con chưa nói", còn trẻ thì đơn giản "muốn hiểu những gì cha mẹ nói". Đặc biệt trẻ muốn cha mẹ "hiểu những gì con cần, những gì con thích, không thích, những gì con làm được hoặc làm thế nào con hiểu được thế giới xung quanh"...
Trẻ tự kỷ thường chỉ hiểu ngôn ngữ theo nghĩa đen và thật cụ thể qua hình ảnh. Ảnh: Lê Phương. |
Theo bác sĩ Trang, sự vận hành bất thường ở não trẻ tự kỷ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc hiểu lời nói, cử chỉ, nét mặt người khác. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong tương tác xã hội. Trẻ thiếu hụt khả năng biết được điều người khác mong đợi ở mình là gì, không đoán được hành động và ý định mọi người. Trẻ không hiểu được những điều ẩn dụ hoặc khái niệm trừu tượng, khó khăn trong duy trì hội thoại, không hiểu được người khác nghĩ và cảm thấy thế nào. Trẻ cũng không có khả năng hiểu hết các nghi thức xã hội, không có khả năng tưởng tượng hay giả bộ và cần thời gian để phân tích câu hỏi. Những khó khăn này làm giảm cơ hội học hỏi trên nhiều lĩnh vực của trẻ.
Giao tiếp là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng quan trọng từ sự vận hành bất thường ở não ngay cả với người tự kỷ có chỉ số thông minh cao. Họ gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hiểu ý nghĩa của nó. Họ chỉ hiểu ngôn ngữ theo nghĩa đen và thật cụ thể qua hình ảnh. Trẻ tự kỷ có lời nói vẫn khó khăn để hiểu nên trả lời không đúng ngữ cảnh.
Khả năng giao tiếp ở một số trẻ sẽ dừng lại ở mức độ nhất định và duy trì cho đến lớn. Một số khác thì có thể khó vượt qua giai đoạn nhại lời. Điểm mạnh trong khám phá thế giới xung quanh của trẻ tự kỷ là "nhìn" hơn là "nghe". Đây chính là điểm khác biệt trong hình thái học tập của trẻ tự kỷ hay trẻ có rối loạn ngôn ngữ
"Hình ảnh chính là công cụ đặc biệt, là phương cách hữu hiệu để giúp trẻ hiểu và tương tác với người khác dù có lời nói hay chưa nói từ nào", bác sĩ Trang nhấn mạnh. Trẻ học được các dấu hiệu để biết giới hạn, chờ đợi, cấu trúc một hoạt động, biết được mình sẽ làm gì trong một ngày, tuần hoặc tháng và được biết có gì thay đổi qua lịch sinh hoạt. Trẻ biết cách chơi tưởng tượng thông qua chuỗi hình ảnh, biết cách ứng xử phù hợp với các bạn thông qua các câu chuyện xã hội. Hiểu được "tại sao", "như thế nào" thông qua các công cụ trực quan giúp trẻ cải thiện giao tiếp, biết cách kết bạn, giảm thiểu căng thẳng cũng như cải thiện hành vi đáng kể ở trẻ.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang tập huấn "Làm thế nào để giúp trẻ tự kỷ cải thiện giao tiếp qua trao đổi hình ảnh" ngày 13/8 tại Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục hòa nhập, 108 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM. Đăng ký qua tin nhắn đến số 0913 70 22 35.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét