Chiều 15/12, bác sĩ Hà Phi Điệp, Phó Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết vừa cứu bà Võ Thị Tẻ 69 tuổi, ngụ xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, thoát chết do rắn cắn gây rối loạn đông máu.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bình Định điều trị vết thương rắn cắn cho bà Tẻ. Ảnh: B.Phương. |
Bà Tẻ nhập viện trong tình trạng chân trái sưng phù, huyết áp tăng cao, xuất huyết bầm tím từ vị trí vết thương dưới bàn chân lên đến tận giữa đùi. Kết quả xét nghiệm cho thấy nạn nhân bị rối loạn đông máu, các bác sĩ phải truyền huyết tương tươi suốt nhiều giờ để bổ sung các yếu tố đông máu. Đến nay tình trạng xuất huyết dưới da của bà Tẻ đã giảm hẳn, các vết bầm tím ở đùi và cẳng chân trái bắt đầu tan, sức khỏe dần hồi phục.
"Nếu bệnh nhân không đến bệnh viện cấp cứu kịp thời có thể chuyển biến nặng như rối loạn chức năng hô hấp, tuần hoàn, xuất huyết nội tạng, thậm chí xuất huyết não dẫn đến tử vong", bác sĩ Điệp nói.
Bà Tẻ bị rắn lục đuôi đỏ tấn công sáng 8/12 khi đi bộ tập thể dục dẫm phải con vật. Bà lấy dây vải cột chặt cẳng chân rồi bảo con chở đến nhà một thầy lang chữa trị.
"Thầy lang dùng miếng gì đó lăn lên chân trái của tôi suốt nhiều giờ liền, sau đó vết thương đỡ đau, không còn sưng phù. Về nhà ngâm vào thau nước muối, chân trái của tôi sưng phù trở lại lan lên tận đầu gối", bà Tẻ kể lại.
Trước đó, chiều 3/12, bà Vương Thị Thân (ngụ xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bị rắn lục đuôi đỏ cắn, do đến bệnh viện cấp cứu quá muộn nên đã nguy kịch. Sau khi bị rắn cắn, bà Thân lấy mảnh vải băng vết thương rồi cùng con trai ra vườn chạy tìm giết con vật. Do bà vận động mạnh, nọc độc phát tán nhanh gây rối loạn hệ thống tuần hoàn, tắc nghẽn mạch máu. Bà được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu trong tình trạng toàn thân tím tái, hôn mê bất tỉnh, phải hỗ trợ thở ôxy, sau đó được cứu sống.
Hai tháng qua, hơn 450 người miền Trung bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện, chưa có trường hợp tử vong. Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 khiến mực nước dâng cao cuốn loài rắn này từ khu vực đồi cao về đồng bằng. Tại đây, nguồn thức ăn dồi dào đã tạo điều kiện cho chúng sinh sôi nhiều bất thường.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần rửa vết thương; cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Không chích rạch tại vết cắn; có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc rồi nhanh chóng đưa người bị nạn tới các khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc.
Hiện, Viện văcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.
Trí Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét