Tai nạn xảy ra năm 2010. Khi mới lên 3, trong một lần băng qua đường mua bánh, bé Dương Đoàn Kim Phụng ở Phú Giáo, Bình Phước, bị chiếc xe tải cán ngang phần dưới của cơ thể.
"Đang ở trong nhà nghe tiếng hàng xóm kêu la, tôi chạy ra thì thấy con gặp nạn. Một chân nát bấy và nhiều phần nội tạng lộ ra ngoài. Tôi cứ tưởng con mình đã chết", chị Dương Thị Cẩm Thu nhớ lại khoảnh khắc kinh khủng ấy.
Bé Phụng và mẹ. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), kiêm trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp, đây là ca tai nạn có thời gian điều trị kéo dài nhất mà ông từng điều trị. "Trường hợp này nhiêu khê hơn cả vì bệnh nhân bị quá nhiều tổn thương", bác sĩ Hiếu nói.
Ngày 30/10/2010, bệnh nhi được đưa đến trong tình trạng gãy nát chân, vỡ nát bàng quang, vỡ đôi âm đạo, hôn mê. Các bác sĩ đã khâu cổ bàng quang, tháo khớp háng do phần chân không thể điều trị bảo tồn và tái tạo âm đạo cho bé nhưng vẫn phải bít kín do tổn thương quá nghiêm trọng. Cũng trong lần phẫu thuật này, các bác sĩ đã tạo hình lại phần bụng, mổ niệu quản thông tiểu ra hai bên.
Gần 2 tháng sau, chỗ dẫn tiểu của bé sau hai tháng đã bị tụt vào trong gây nhiễm trùng do nước tiểu rò rỉ. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật để cố định lại hai ống dẫn tiểu. Cuối năm ấy, bé được ghép da và tạo hình phần bụng. Sau nhiều giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã giúp phần da bụng bé "dễ nhìn" hơn trước đó. Tại thời điểm này, bé đi tiêu bình thường bằng hậu môn đã được tái tạo nhưng vẫn phải đi tiểu bằng hai ống dẫn trực tiếp từ thận.
Ngày 17/3/2011, hai ống tiểu thường xuyên rò rỉ gây nhiễm trùng khiến bé liên tục lên cơn sốt, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật lần thứ ba để tạo bàng quang cho bé. Một đoạn ruột đã được cắt để giữ vai trò như một bàng quang. Hai ống tiểu thay vì dẫn tiểu ra hai bên thành bụng thì được đưa vào bàng quang, từ đây các bác sĩ tạo một đường ống dẫn ra thành bụng. Sau phẫu thuật, bé vẫn không thể đi tiểu bình thường vì không còn bộ phận sinh dục, cha mẹ phải mỗi ngày vài lần tháo tiểu cho bé, song cách làm này giúp nước tiểu không rò thường xuyên ra ngoài.
"Sau 4 lần phẫu thuật cứ tưởng mọi thứ đã qua. Nhưng suốt 3 năm nay con tôi có gần 20 lần phải nhập viện bởi bàng quang sau khi tái tạo cứ gây biến chứng nhiễm trùng. Lần này, con liên tục than đau. Bé đã quá tuổi được bảo hiểm chi trả viện phí và nhà túng thiếu nhưng tôi vẫn quyết tâm nhập viện để điều trị cho con", người mẹ nói.
Phần bàng quang được tái tạo gây biến chứng khiến bé thường xuyên đau đớn. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo bác sĩ Huỳnh Công Chấn, khoa Ngoại - Tổng hợp, các chẩn đoán trước khi phẫu thuật cho thấy bàng quang được tái tạo từ ruột của 3 năm trước của bé trong tình trạng phình quá to, ứ nước tiểu và gây nhiễm trùng nghiêm trọng. "Trong lần mổ này, chúng tôi sẽ cắt nhỏ bàng quang để tráng tình trạng ứ tiểu", bác sĩ Chấn cho biết.
Nhìn theo con được đưa vào phòng mổ, chị Thu ứa nước mắt. Người mẹ nói rằng nỗi đau xót không chỉ dừng lại ở việc nhà nghèo không có tiền điều trị, mà còn con gái mất hẳn khả năng làm mẹ sau tai nạn và sức khỏe vẫn chưa hết bị đe dọa. "Nó chưa bao giờ ăn được hết chén cơm, 7 tuổi mà chỉ nặng có 11 kg. Tôi lo lắm và chỉ mong sao sau lần mổ này con có thể bình phục đủ sức để đến trường", người mẹ nói.
Thiên Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét