Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Băng Sương, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ung thư gan xếp thứ ba trong nhóm ung thư gây tử vong nhiều nhất thế giới, chỉ sau phổi và dạ dày. Năm 2010 ước tính toàn cầu có khoảng 754.000 người tử vong do ung thư gan. Trung bình mỗi năm có thêm nửa triệu ca mắc mới. Hơn 80% số bệnh nhân ở các quốc gia châu Á và khu vực châu Phi cận Sahara. Dạng ung thư gan phổ biến nhất là Carcinom tế bào gan (HCC), chiếm đến 80%.
Ảnh minh họa: Health. |
Thực tế lâm sàng ghi nhận nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu là viêm gan mạn tính do virus viêm gan C (HCV) và viêm gan B (HBV) dẫn đến xơ gan. Đây là bệnh cảnh nền của 70-80% tổng số ca ung thư gan. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như nghiện rượu, độc tố aflatoxin của nấm Aspergillus flavus trong ngũ cốc.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao nên có tỷ lệ ung thư gan cao. Ước tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, tỷ lệ này cao nhất thế giới. Điều tra dịch tễ ở Hà Nội, Bắc Giang cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C lần lượt là 8,0 % và 2,7%. Tại TP HCM, ung thư gan đứng thứ nhất trong số 10 loại ung thư thường gặp ở nam giới (với tần xuất 38,2 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm), thứ sáu ở nữ (với tần suất 8,3 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm). Ở Hà Nội, ung thư gan đứng hàng thứ ba ở nam giới và thứ bảy ở nữ.
Khảo sát cho thấy bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn đầu nếu được phẫu thuật triệt để hoặc ghép gan sẽ mang lại kết quả tốt, tỷ lệ sống lên đến 80%. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển như nước ta, bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn cuối nên ghép gan không đạt kết quả tốt. Khi đó ung thư đã xuất hiện tại các tạng khác, có khả năng lây lan vào gan mới ghép, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa đến 10%.
Bác sĩ Băng Sương nhìn nhận, ung thư gan tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng ở giai đoạn sớm nên đa số bệnh nhân được phát hiện muộn. Do vậy bác sĩ khuyên những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh viêm gan B, C, xơ gan, uống rượu nhiều hoặc trong gia đình từng có người bị ung thư gan, nên thường xuyên kiểm tra tầm soát để phát hiện bệnh sớm.
Ở góc độ khác, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng tiêm phòng văcxin viêm gan B có vai trò vô cùng quan trọng trong phòng ngừa ung thư gan, đặc biệt ở trẻ em. Tuy vậy, những năm gần đây xảy ra một số trường hợp tai biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong liên quan đến tiêm chủng khiến nhiều phụ huynh hoang mang không cho con em đi tiêm. Các bệnh viện cũng ngại triển khai tiêm ngừa vì lo sợ rủi ro. Từ đó dẫn đến tỷ lệ tiêm văcxin giảm hẳn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có viêm gan B.
Theo bà Hồng, tỷ lệ tai biến do tiêm chủng ở nước ta trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), song ngành y tế đang nỗ lực triển khai những giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ này. Thời gian qua, Bộ Y tế tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ tiêm chủng nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu sốc phản vệ sau tiêm, xử trí kịp thời, đúng phương pháp sẽ cứu sống được các trẻ bị tai biến nặng. Bên cạnh đó còn hướng dẫn phụ huynh cách phát hiện sớm các dấu hiệu tai biến nặng để kịp thời đưa đến cơ sở y tế để xử trí theo đúng phác đồ.
Khảo sát của WHO tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bệnh viêm gan C gia tăng do phần lớn người dân và bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh nên không có khái niệm về tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm virus này nên không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.
Các chuyên gia khẳng định việc phát hiện viên gan C quá muộn sẽ gây khó khăn trong điều trị. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, đúng liệu trình có thể khỏi hẳn mà không để lại di chứng. Chính vì thế việc chủ động xét nghiệm tầm soát là biện pháp tốt nhất để hạn chế lây lan và điều trị dứt điểm.
>> Xem thêm Các phương pháp phát hiện sớm ung thư gan
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét