Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

30 phút tư vấn trực tuyến về cách phòng ngừa cao huyết áp

Kính chào Tiến sĩ Vũ Quỳnh Nga!

Những ngày nắng nóng trên 40 độ thế này (đặc biệt ở miền Trung) ba mẹ cháu ở quê phải ra đồng làm. Ba mẹ cháu cũng đã già nên khó tránh các bệnh như cao huyết áp. Vậy bác sĩ có thể cho cháu biết cách phòng ngừa cao huyết áp trong những ngày này được không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Trần Thị Hảo, 22 tuổi, 173/34/15a, phường 5, đường Dương Quảng Hàm, Gò Gấp, TP HCM

Chào bạn, chào độc giả VnExpress

Trước kia có quan niệm chỉ thời tiết lạnh mới ảnh hưởng đến tăng huyết áp. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến huyết áp. Ngiên cứu ở Italy cho thấy, thời tiết nóng làm giảm huyết áp ban ngày nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm. Nhiệt độ cao làm ra mồ hôi nhiều dễ dẫn đến mất nước, gây cô đặc máu và dễ gây nên các biến chứng như tai biến mạch não, bệnh mạch vành…

Khi thời tiết nắng nóng, người bệnh tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời, nhất là buổi giữa trưa để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp. Nên lao động lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn lúc đã tắt nắng. Người có bệnh cao huyết áp nên uống nhiều nước và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống để giảm được độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thường phải đảm bảo 1,5-2 lít nước một ngày, uống rải đều trong ngày chứ không nên uống dồn vào một lúc.

Mặc dù mùa hè nóng nực, người bệnh cao huyết áp vẫn nên cố gắng vận động. Có thể chọn đi bộ, đi xe đạp chậm, lên xuống cầu thang trong nhà, các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền… Không nên tập nặng. Nên tập đều đặn hàng ngày khoảng 30 phút và tập theo khả năng. Không nên tập giữa lúc trời nắng to, nên tập lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi không còn mặt trời. Chú ý uống đủ nước khi vận động.

Chế độ dinh dưỡng thích hợp cũng rất quan trọng. Nên hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn, tôm khô, trứng vịt muối… Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa… Bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, rượu… Tránh các chất kích thích như trà, cà phê.

Nhịp tim của em hơi nhanh, có khi thở hơi mệt và thấy hơi bị chóng mặt. Xin hỏi bác sĩ có phải bị huyết áp không?

Tran Da Vy, 32 tuổi, Dong Hoa, Phu Yen

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến các triệu chứng như em mô tả. Em cần đến cơ sở y tế để đo huyết áp, thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để chẩn đoán.

Xin chào bác sĩ. Mạch của tôi thường trên 100 nhưng người thấy bình thường. Như vậy có vấn đề gì không?

LÊ TRƯỜNG SƠN, 44 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Mạch thường phản ánh tần số tim. Nhịp tim trung bình của người lớn từ 60 đến 90 lần/phút. Mạch của anh như vậy hơi nhanh. Anh nên đến cơ sở y tế khám và làm điện tim cũng như một số xét nghiệm cần thiết khác để tìm nguyên nhân.

Tôi bị cao huyết áp nhiều năm nay. Hiện tôi đang uống convecsin. Khi bị lên cao huyết áp đột ngột, tôi cần làm gì để hạ cho huyết áp xuống. Nếu xảy ra hiện tượng nôn trớ thì tôi cần phải làm gì. Xin cảm ơn bác sĩ Nga.

Pham Nguyet Nga, 58 tuổi

Thuốc điều trị tăng huyết áp thường phải có tác dụng ổn định huyết áp trong 24 giờ. Nếu khi chị uống Coversyl mà vẫn có cơn huyết áp lên cao thì có lẽ thuốc uống chưa đủ, cần tăng liều hoặc phối hợp thêm thuốc khác. Chị nên đi khám lại để chỉnh thuốc. Trong khi chưa chỉnh được thuốc, nếu vẫn có cơn huyết áp tăng cao cần nghỉ ngơi tại chỗ. Có thể ngậm 1 viên Captopril 25 mg dưới lưỡi nếu huyết áp > 160/100mmHg và đau đầu nhiều, sau đó phải đến bệnh viện ngay. Nôn, buồn nôn, đau đầu khi có cơn huyết áp tăng cao có thể là báo hiệu tai biến mạch não, cần đo huyết áp và gọi xe cấp cứu đến để xử trí và đưa đi viện.

Tôi 61 tuổi, không có tiền sử cao huyết áp nhưng khuya ngày 1/6 phải nhập viện, huyết áp đo được là 170/80. Bác sĩ chỉ định uống thuốc, hiện huyết áp có cải thiện. Liệu tôi có phải dùng thuốc suốt đời không?

Ngô Đặc Thiệt, Hiệp Bình Chánh, Q Thủ Đức,TP Hồ Chí Minh

Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng nên lầm tưởng là không bị tăng huyết áp, chỉ đến khi có triệu chứng mới đi khám và được chẩn đoán bệnh. Huyết áp của bác được cải thiện là do dùng thuốc và phần lớn các bệnh nhân có chẩn đoán tăng huyết áp phải dùng thuốc suốt đời và theo dõi tại bệnh viện để duy trì huyết áp trong mức an toàn.

Hiện tại con số huyết áp được khuyến cáo là nên đưa xuống dưới 140 mmHg với huyết áp tối đa và dưới 90 với huyết áp tối thiểu. Ngoài ra, bác cần kiểm tra thêm về đường máu, mỡ máu xem có bị rối loạn và cần điều trị cùng với tăng huyết áp hay không.

Em đang có bầu 3 tháng. Trước khi có thai em bị cao huyết áp, có uống thuốc trị và đã đỡ (cách đây 1 năm). Mỗi lần em đi khám thai đều bị tăng huyết áp (130 đến 150) nên bác sĩ khuyên em sang bệnh viện trị cao huyết áp và theo dõi thai. Em qua bệnh viện khám hai lần đều không có dấu hiệu cao nên bác sĩ không cho thuốc uống. Những lúc làm việc căng thẳng đo huyết áp tại nhà đều bị tăng, sau đó thư giãn thì huyết áp lại bình thường. Em không biết mình có nên uống thuốc nào để phòng ngừa tăng huyết áp và tránh bị tiền sản giật không ạ?

Trần Ngọc Duyên, 28 tuổi, Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh

Trường hợp của em có thể lần đầu có tăng huyết áp thai kỳ và sau khi đẻ, huyết áp đã xuống. Lần có thai thứ hai này vẫn có thể có huyết áp tăng cao và nếu có thì cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng như tiền sản giật, sản giật. Vì vậy em cần đến bệnh viện để đeo holter huyết áp. Đây là máy theo dõi huyết áp trong 24 giờ, có thể phát hiện những trường hợp tăng huyết áp ẩn giấu.

Khi có kết quả thăm dò này các bác sĩ sẽ cho em lời khuyên về chế độ ăn, chế độ sinh hoạt cũng như dùng thuốc. Trước mắt, em cần ăn nhạt muối, ít bột ngọt, tránh căng thẳng, xúc động, ngủ đủ giấc, tránh các stress cũng góp phần hạn chế huyết áp tăng cao.

Điều thứ 2, huyết áp có thể thay đổi trong quá trình mang thai. Huyết áp ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ có thể hơi giảm do hiện tượng giãn mạch. Huyết áp sẽ tăng dần từ tuần thứ 24 do tăng lượng máu trong cơ thể để nuôi em bé. Vì vậy, trong thời kỳ em mang thai 3 tháng huyết áp có thể không cao nhưng vẫn cần theo dõi huyết áp trong những lần khám thai sau để phát hiện tăng huyết áp cần điều trị.

Thưa bác sĩ tôi phát hiện bị cao huyết áp cách đây 10 năm.Tôi đã được các bác sĩ kê đơn thuốc hạ huyết áp Tanatril 10mg để uống hàng ngày. Gần đây tôi bị ngứa ở hai gan bàn chân, tôi đi xét nghiệm thì được tư vấn là do uống thuốc Tanatril lâu ngày và khuyên nên đổi loại thuốc hạ huyết áp khác. Xin bác sĩ tư vấn giúp xem điều đó có đúng không?

Nguyễn Thị Thanh, 56 tuổi, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Hải Phòng

Tanatril là một thuốc hạ huyết áp tốt và tương đối an toàn. Tuy nhiên ở một số ít bệnh nhân có thể có tác dụng phụ gây phù mạch, dị ứng và có triệu chứng như bác mô tả. Bác nên đến bệnh viện để bác sĩ tạm ngừng Tanatril và đổi loại thuốc hạ huyết áp khác. Nếu các triệu chứng đỡ thì sẽ duy trì thuốc mới, nếu vẫn còn thì bác nên đi khám chuyên khoa dị ứng, miễn dịch để tìm nguyên nhân ngứa gan bàn chân.

Tôi có người bác bị tai biến cách đây khoảng 8 năm, sau khi chữa trị lần thứ nhất tại Bệnh viện Trung ương Huế thì đã khỏe lại, nhưng 2 năm sau lại tái phát, chữa trị gần 6 tháng và hết đến bây giờ. Tuy nhiên khi hết bệnh thì Bác tôi thường bị chóng mặt khi ở chỗ đông người và giọng nói ngọnG đi không lưu loát như trước. Tôi xin hỏi chế độ ăn uống hoặc sử dụng loại thuốc nào để phòng ngừa tái phát bệnh?

Phạm Văn Hiền, 24 tuổi, Krông Bông - Đăk Lăk

Bác của bạn có tăng huyết áp và đã bị tai biến mạch máu não 2 lần. Nguy có tái phát tai biến mạch não là rất lớn, thậm chí tử vong. Bác cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, giảm đồ béo, hạn chế trứng, da gà, da cá, đồ xào rán…, cần bỏ rượu, thuốc lá, cà phê. Vận động thể lực vừa phải như đi bộ, đạp xe…, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc…. ăn cá, thịt trắng…. Thuốc uống đầy đủ vầ đúng liều theo đơn của bác sĩ.

Cần điều trị thêm các bệnh kèm theo nếu có như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Bác cần đến viện kiểm tra siêu âm mạch cảnh, đốt sống là những mạch máu lên nuôi não xem có bị hẹp cần phải can thiệp hay không.

Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Còn hơn 40 câu hỏi của độc giả, tôi sẽ tiếp tục trả lời trên suckhoe.vnexpress.net, mời các bạn theo dõi. Xin cảm ơn và xin chào.

Sức Khỏe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến