Dưới đây là 10 điều cần biết về hội chứng hô hấp MERS, theo Melodyng:
1. Virus đã lan truyền trên diện rộng
MERS, viết tắt của Middle East Respiratory Syndrome (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông), bùng phát đầu tiên ở Saudi Arabia vào năm 2012. Đến nay MERS đã ảnh hưởng đến trên 17 quốc gia, trong đó có Pháp, Malaysia, Qatar, Anh và Mỹ, Hàn Quốc. Tháng trước một người đàn ông 54 tuổi ở Malaysia nhiễm virus này đã qua đời tại bệnh viện Johor. Mỹ có 2 ca nhiễm. Hà Lan đã báo cáo trường hợp dương tính đầu tiên. Tại Hàn Quốc, đến ngày 7/6, số ca mắc MERS đã tăng lên 64 người, 5 bệnh nhân tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận các ca nhiễm MERS ở nhiều quốc gia. Ảnh: spacecoastdaily. |
2. Virus MERS cùng họ với virus SARS
MERS còn được gọi là MERS-CoV, cùng họ với virus Corona gây hội chứng hô hấp cấp SARS. Ước tính SARS đã cướp đi sinh mạng khoảng 800 người trên toàn cầu trong năm 2003. SARS ảnh hưởng đến sức khỏe hầu hết mọi người, kể cả người trẻ tuổi. Còn MERS xảy ra chủ yếu ở những người đã có sẵn bệnh mạn tính như tiểu đường, tim hoặc bệnh thận.
3. Cơ chế lây lan
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, virus này có thể lây lan qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy MERS lây lan qua những tiếp xúc thông thường như đi du lịch chung, ngồi trên cùng xe buýt hoặc máy bay.
4. Triệu chứng
Các triệu chứng nhiễm virus bao gồm khó thở, sốt, ho và tiêu chảy, sau đó có thể dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp. Thông thường mất khoảng 5 đến 14 ngày, các triệu chứng mới xuất hiện ở người bị nhiễm bệnh.
5. Đối tượng bị lây nhiễm
Các chuyên gia khuyến cáo, bất kỳ khách du lịch nào thấy mình bị các triệu chứng nhiễm virus trong vòng 14 ngày kể từ khi đi du lịch đến các nước có bệnh nhân nhiễm MERS nên đến gặp bác sĩ và khai báo về lịch sử du lịch của mình. Giới chức y tế ghi nhận bệnh nhân nhiễm MERS nhỏ nhất là 2 tuổi, già nhất là 94 tuổi.
6. Số người thiệt mạng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 600 trường hợp nhiễm virus MERS-CoV đã được báo cáo, khoảng 150 người đã chết vì căn bệnh này.
7. Động vật truyền bệnh
Gần 3/4 số lạc đà ở Saudi Arabia xét nghiệm dương tính với MERS. Đã có những nghiên cứu cho thấy virus lây truyền từ lạc đà vào con người. Virus MERS cũng được tìm thấy ở loài dơi.
8. Chưa có văcxin
Hiện tại chưa có văcxin và thuốc điều trị virus MERS. Các bác sĩ chỉ có thể điều trị dựa trên các triệu chứng của bệnh như khó thở và sốt.
9. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn
Một bệnh nhân nhiễm MERS đầu tiên ở Mỹ đã được điều trị phục hồi hoàn toàn. Kết quả theo dõi sau đó cho thấy không có bất kỳ người nào tiếp xúc gần với bệnh nhân đó có dấu hiệu lây nhiễm virus này.
10. Phòng bệnh
Virus MERS trở thành mối lo cho cộng đồng quốc tế, mọi người được khuyên không nên du lịch đến các vùng có bệnh nhân đã được phát hiện. CDC đã khuyến cáo về cơ bản để phòng bệnh, mọi người nên tránh chạm vào mắt, mũi và miệng, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân đã nhiễm virus.
Tường Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét