Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng non nớt. Đây không phải là bệnh đơn lẻ mà gồm tổ hợp như viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản, với các biểu hiện thường gặp như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, sốt, nhức mắt...
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mất vì bệnh hô hấp, trong đó chủ yếu do viêm phổi. Trung bình, một trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp khoảng 4-6 lần mỗi năm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội). |
Bệnh có nhiều nguyên nhân gây nên, phần lớn là do các virus, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm... Ngoài ra, một số tác nhân từ ngoài môi trường như: thời tiết thay đổi đột ngột, phấn hoa, lông chó, mèo, khói thuốc lá cũng là "thủ phạm".
Một số cha mẹ thấy con ho là vội vàng sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng diệt khuẩn, trong khi khoảng 80% nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus gây nên.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng chục lượt trẻ em nhập viện do các bệnh lý về hô hấp. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, cơ thể từ chối kháng sinh nên phải theo dõi cách ly với phác đồ riêng.
Theo chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Trong nước đã xuất hiện nhóm vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, phổ biến là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Dùng thuốc kháng sinh sai cách có thể làm ảnh hưởng đến chức năng đường ruột của bé. Thuốc vô tình tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong cơ thể khiến trẻ bị tiêu chảy, biếng ăn, ăn kém hấp thu, chậm lớn...
Nhiều phụ huynh có thói quen cho trẻ dùng kháng sinh sau 2-3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy cho rằng, việc làm này sai lầm bởi khi kháng sinh đi vào cơ thể, vi khuẩn đang bị yếu dần đi, đột ngột ngừng thuốc chúng có thể sẽ sống lại gây nên tình trạng kháng thuốc.
Bà khuyên, phụ huynh chỉ sử dụng kháng sinh cho con khi xác định rõ bệnh do vi khuẩn gây ra. Trẻ dùng thuốc tuân thủ thời gian, liều lượng, theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, phụ huynh nên thực hiện tiêm chủng văcxin đầy đủ cho con, thêm các loại rau củ vào bữa ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng. Đồng thời, bố mẹ có thể bổ sung chất kích thích hệ miễn dịch tự nhiên cho bé.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương). |
Trường hợp trẻ mới ho, cha mẹ không nên nóng vội sử dụng thuốc kháng sinh hay những thuốc có tác dụng cắt cơn ho nhanh. Phụ huynh có thể dùng các thuốc thảo dược, giúp trẻ thuyên giảm triệu chứng từ từ, kết hợp vệ sinh mũi họng đúng cách.
Những thắc mắc xoay quanh cách hạn chế dùng thuốc kháng sinh trong điều trị hô hấp ở trẻ sẽ được Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội), Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Miễn dịch Dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời vào ngày 14/8 trên VnExpress.
Ngọc Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét