Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Bệnh máu khó đông khiến cụ ông phải cưa chân

Bệnh nhân vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) điều trị khi đã bị teo cơ biến dạng khớp, không đi lại được. Đùi trái bệnh nhân sưng rất to do tụ máu, lâu ngày đã hoại tử, bác sĩ buộc phải cưa chân. Ông được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông Hemophilia. Em trai, anh họ và cháu ngoại của ông cũng mắc phải căn bệnh di truyền này.

Ông cụ có tiền sử chảy máu lâu cầm từ nhỏ, song nghĩ là bệnh về cơ khớp. Hàng chục năm nay ông phải sống chung với những cơn đau vì bị chảy máu.

Việt Nam có khoảng 6.000 người mắc Hemophilia, chỉ gần 40% bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên. Hiểu biết của người bệnh và một số cán bộ y tế còn thấp, nhiều người đến viện muộn và điều trị chưa đầy đủ. Có người vào viện mổ, chảy máu không cầm dẫn đến hôn mê mới biết mắc bệnh.

6 tháng đầu năm, Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phát hiện thêm 110 bệnh nhân mới. Hiện có khoảng 1.680 bệnh nhân đang được Viện Huyết học quản lý.

Hemophilia là bệnh ưa chảy máu hay máu khó đông, là rối loạn đông máu do thiếu một số yếu tố đông máu. Người bệnh có thể bị xuất huyết không thể kiểm soát do một chấn thương rất nhỏ, chảy máu vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội dẫn tới tàn tật, chảy máu vào não có thể gây tử vong. Đây là bệnh hiếm gặp, cứ 10.000 nam giới thì có một người mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh do di truyền. Phần lớn nam giới mắc bệnh máu khó đông, nhưng phụ nữ lại là người mang gene bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, uớc tính Việt Nam có hơn 30.000 người mang gene bệnh nhưng số tiếp cận được thông tin không nhiều. Không ít phụ nữ liên tiếp phải chịu nỗi đau khi sinh con ra bị bệnh, con chết mà không biết vì sao. Họ lại tiếp tục sinh với hy vọng đẻ con khỏe mạnh. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ, bệnh nhân có thể sống như người bình thường.

Theo bác sĩ Mai, các cặp vợ chồng trước khi cưới nên đi khám để được tư vấn và tầm soát bệnh di truyền. Người bị rối loạn cầm máu và đông máu, khi bị chấn thương cần vào viện ngay. Trẻ mắc bệnh máu khó đông cần tránh vận động mạnh gây chấn thương.

Những trường hợp chảy máu khó cầm hoặc thường xuyên bị bầm tím, đau khớp, nên nghĩ tới bệnh máu khó đông. Khi có bệnh, nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không tiêm bắp, châm cứu hay massage, tránh sử dụng các thuốc gây chảy máu như aspirin, tập thể dục cơ khớp để giảm chảy máu.

Hà An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến