Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Ung thư dạ dày phát hiện sớm dễ chữa lành bệnh

Ngày 21/6, tiến sĩ Kohei Takizawa, Trưởng đơn vị nội soi đường tiêu hóa trên, Trung tâm nội soi, Bệnh viện Ung thư Shizuoka Nhật Bản và các bác sĩ Bệnh viện K mổ cắt hớt niêm mạc dạ dày cho một bệnh nhân 71 tuổi.

Cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi (ESD) là thủ thuật can thiệp tối thiểu điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa được thực hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào những năm 1990. Theo thống kê của Hiệp hội nội soi Nhật Bản, trên 50% người bệnh mắc ung thư dạ dày tại Nhật Bản được phát hiện ở giai đoạn sớm và sau khi can thiệp ESD thì tỷ lệ sống trên 5 năm của nhóm bệnh nhân này đạt hơn 95%.

Từ cuối năm 2017, khoa Nội soi, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) áp dụng phương pháp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày của Hội Nội soi Nhật Bản. Đây là phương pháp sử dụng hệ thống máy soi có kỹ thuật khuếch đại ánh sáng và nhuộm màu.

Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, chẩn đoán sớm ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào quá trình nội soi. Trước đây, cách nội soi thông thường phát hiện rất ít trường hợp ung thư dạ dày sớm. Với hệ thống nội soi mới, bệnh viện đã phát hiện 25 trường hợp ung thư dạ dày sớm. Ung thư dạ dày được coi là sớm khi phát hiện tổn thương còn khu trú lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, có hay không di căn hạch.

Trong quá trình nội soi các bác sĩ tiến hành bơm rửa mọi vị trí trong dạ dày bệnh nhân. Từ đó bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện tổn thương dù là nhỏ nhất. Hệ thống giúp phát hiện những tổn thương rất nhỏ dưới một cm, thậm chí chỉ 0,3-0,5 cm.

Các bác sĩ nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày cho một bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Ảnh: N.Phương.

Các bác sĩ nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày cho một bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Ảnh: N.Phương.

Theo tiến sĩ Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K, những tổn thương ở giai đoạn sớm có thể tiến hành cắt hớt dưới niêm mạc qua nội soi mà không phải mổ can thiệp cắt đoạn dạ dày. Bệnh nhân bảo tồn được toàn bộ dạ dày, sau 2 ngày có thể ra viện.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày phổ biến hàng đầu. Theo số liệu của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10.400 người ung thư dạ dày được phát hiện, dự báo tăng lên khoảng 11.500 ca vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện sớm bệnh rất hiếm. Ví dụ, tại Bệnh viện K, một năm chỉ có khoảng 30 ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm trong số hàng nghìn bệnh nhân. Vì thế, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm chưa cao.

Bác sĩ khuyên, người có nguy cơ cao mắc ung thư là tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn... Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần.

Triệu chứng ban đầu của bệnh rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói. Lúc đầu các triệu chứng thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần thường xuyên hơn. Bệnh càng lâu triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trưa), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen...

Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến