Bé bị bạn bè trêu chọc nên tự ti, mặc cảm về chiều cao của mình. Bố mẹ cho bé uống nhiều loại sữa bổ sung canxi nhưng cải thiện chiều cao không khả quan, đến khi được bác sĩ chẩn đoán bé lùn do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau một thời gian điều trị, kết quả là năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi trẻ bị lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, vẻ mặt "non" so với tuổi, có thể kèm sứt môi, chẻ vòm… nguy cơ cao đang thiếu hormone tăng trưởng.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt, giúp bé tăng trưởng chiều cao bình thường ở độ tuổi trưởng thành.
Bác sĩ đang thăm khám cho bé tại Bệnh viên Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: N.P |
Thông thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng 25 cm và hai năm kế tiếp mỗi năm tăng thêm 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu bé không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.
Bà Quỳnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng...
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ con thiếu hormone tăng trưởng là một trong 4.000 trường hợp. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương đầu, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…
Từ tháng 6 đến tháng 8, mỗi sáng thứ bảy Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám và tư vấn miễn phí cho 300 trẻ em trước độ tuổi dậy thì bị chậm tăng trưởng chiều cao. Đăng ký khám qua số điện thoại 02866 406 690. |
Cẩm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét