Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Việt Nam đứng thứ 98 thế giới về chăm sóc bà mẹ, trẻ em

Phần Lan là nước thuộc nhóm đứng đầu trong danh sách nơi tốt nhất trên thế giới cho các bà mẹ. Theo báo cáo của Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) công bố hôm 4/5, nếu tỷ lệ tử vong của bà mẹ do mang thai và sinh nở ở Việt Nam là 1/1.100 thì tại Phần Lan là 1/19.800. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi (trong 1.000 trẻ sống) ở Việt Nam là 23,8, mức thu nhập tính trên đầu người là 1,740 USD. Tỷ lệ phụ nữ tham gia chính quyền 24,3.

Bản báo cáo hàng năm lần thứ 16 này của Save the Children xếp hạng 179 quốc gia trên cơ sở đánh giá 5 tiêu chí liên quan đến sức khỏe của người mẹ, giáo dục, mức độ thu nhập và địa vị người phụ nữ.

Theo báo cáo này, năm nay Việt Nam đứng thứ 98 về chăm sóc bà mẹ trẻ em, tụt 5 hạng so với năm ngoái (thứ 93), giảm 12 bậc so với năm 2013 (xếp 86).

me-va-tre-1353-1430814482.jpg

Ảnh minh họa: Cs.mcgill.ca.

Cũng theo báo cáo của Save the Children, năm nay Na Uy vượt lên trên Phần Lan để đứng đầu danh sách về nơi tốt nhất trên thế giới cho các bà mẹ, trong khi Mỹ ở hàng 33. Trong danh sách này, Somalia là nơi tệ nhất, tiếp đó là Cộng hòa dân chủ Công Gô và Cộng hòa Trung Phi.

Các nước thuộc vùng Bắc Âu vẫn duy trì những vị trí đầu bảng về chỉ số bà mẹ. Trong top 10, Australia là nước duy nhất không thuộc châu Âu, nằm ở vị trí thứ 9. 10 nơi tệ nhất gồm các nước châu Phi hạ Saharan với Haiti cùng Sierra Leone đứng thứ 169.

Sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong trẻ em có sự tương phản lớn giữa những nước giàu và nước nghèo. Ở 10 nước hàng đầu, một trong số 290 bà mẹ có thể mất con dưới 5 tuổi, trong khi ở 10 nước đứng cuối, tỷ lệ này là một trong 8.

Trong 24 thủ đô giàu có nhất trên thế giới, tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất là ở Washington (Mỹ). Cứ 1.000 em bé thì có 7,9 đứa trẻ không thể duy trì cuộc sống. Giám đốc điều hành của Tổ chức Save the Children, Carolyn Miles, cho biết, số liệu trên khẳng định rằng sự giàu mạnh kinh tế của đất nước không phải là yếu tố duy nhất mang đến hạnh phúc cho các bà mẹ, mà vấn đề là các chính sách của đất nước đó có đặt đúng chỗ không.

Trong trường hợp Na Uy, giám đốc Miles giải thích: "Họ giàu có và đầu tư sự giàu có đó vào bà mẹ và trẻ em, coi đó là điều cần ưu tiên".

Các số liệu cũng cho thấy, cơ hội sống của trẻ em ở các thành phố đang phát triển trên thế giới bị ảnh hưởng đáng kể bởi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

Ở các thành phố của những nước Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Kenya, Peru, Việt Nam và Zimbabwe, trẻ em nghèo có tỷ lệ chết cao hơn gấp 3-5 lần so với trẻ cùng lứa ở nơi giàu có. Tại thành thị ở những nơi này, bà mẹ và trẻ em cũng được báo cáo là thiếu thốn về chăm sóc y tế cứu sinh.

Vương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến