Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Viêm động mạch Takayasu dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận một ca bệnh viêm động mạch Takayasu mạn tính. Bệnh hiếm gặp và nguy hiểm, khó phát hiện và điều trị. Bệnh nhân Vỹ An (16 tuổi, TP HCM) đến khám với các triệu chứng: huyết áp cao, khó thở, mệt mỏi, đau cẳng chân khi gắng sức. Trước đó, bệnh nhân đã thăm khám tại nhiều nơi song chưa được chẩn đoán chính xác.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân (Khoa Tim mạch), bệnh viêm động mạch Takayasu chủ yếu xảy ra ở trẻ gái và phụ nữ dưới 40 tuổi (chiếm 80%). Các tổn thương thường kéo dài nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng nặng.

Bệnh nhân bị viêm mạch máu thâm nhiễm bạch cầu hạt mạn tính, gây tổn thương lan tỏa động mạch chủ - động mạch phân nhánh mang máu từ tim tới phần còn lại của cơ thể, làm hẹp, tắc hoặc phình động mạch. Bệnh nhân có thể yếu hoặc đau cánh tay - chân khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi; chóng mặt và đau đầu; mạch yếu; khó thở và mệt mỏi; sốt; đổ mồ hôi đêm; mờ mắt… Đặc biệt là tăng huyết áp và đau ngực kéo dài, cuối cùng suy tim hoặc đột quỵ nếu không phát hiện kịp thời. Các triệu chứng này không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch và xương khớp phổ biến khác.

Trường hợp bệnh nhân Vỹ An, bác sĩ thăm khám phát hiện âm thổi 2 bên động mạch thận, chênh lệch huyết áp giữa các chi, siêu âm mạch máu thấy hẹp động mạch thận 2 bên. Khai thác thêm tiền sử của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Tim mạch, nghi mắc viêm động mạch Takayasu. Kết quả chụp CT động mạch có cản quang sau đó cho thấy, tổn thương lan tỏa động mạch chủ và động mạch thận 2 bên. Dựa trên cơ sở này, các bác sĩ mới đưa ra kết luận chính xác.

Bệnh nhân có thể yếu hoặc đau cánh tay - chân khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi

Bệnh nhân có thể yếu hoặc đau cánh tay - chân khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi...

Bác sĩ Nhân cho biết, viêm động mạch Takayasu gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn, hẹp hoặc phình động mạch chủ; huyết áp cao do hẹp động mạch thận; suy tim do hẹp động mạch vành hoặc tăng huyết áp; đột quỵ do thiếu máu cục bộ, gây ra bởi việc hẹp hoặc tắc động mạch dẫn máu lên não; nhồi máu cơ tim do giảm lưu lượng máu đến tim khi hẹp hay tắc động mạch vành; hẹp động mạch phổi, tổn thương mắt…

"Ở bệnh nhân Vỹ An, bệnh đã biến chứng đến thận, gây cao huyết áp kéo dài. Động mạch chủ bụng bị hẹp nên thường đau chân khi đi bộ lâu. Đồng thời, tình trạng suy tim nặng khiến người bênh mệt mỏi, khó thở khi gắng sức", bác sĩ Nhân cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân, bệnh Takayasu khó điều trị dứt điểm, bởi ngay cả khi đã thuyên giảm, bệnh vẫn tiếp tục hoạt động âm thầm. Tại các nước có nền y học tiên tiến, điều trị chủ yếu là giảm viêm động mạch và ngăn ngừa các biến chứng tiềm tàng. Một số bệnh nhân phát hiện muộn, biến chứng gây tổn thương trầm trọng, khó có thể đảo ngược kết quả. Bác sĩ phải phối hợp nhiều loại thuốc, có thể phẫu thuật hoặc đặt stent.

Trường hợp bệnh nhân Vỹ An, bác sĩ phải can thiệp đặt stent vào động mạch thận 2 bên. Từ đó, cải thiện các triệu chứng như huyết áp cao và khó thở. Một số loại thuốc ức chế tình trạng viêm như corticoide, thuốc độc tế bào được chỉ định sử dụng lâu dài, tuy nhiên tác dụng phụ là không thể tránh khỏi.

Thực tế, bệnh viêm động mạch Takayasu nếu được xác định và điều trị sớm, tiên lượng chữa tốt hơn. Bác sĩ Nhân khuyên, người trẻ tuổi khi thấy có các biểu hiện bất thường nên sớm đến cơ sở y tế để thăm khám.

An San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến