Chia sẻ trong buổi Tư vấn trực tuyến phòng, điều trị bệnh hô hấp cho trẻ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ, trẻ nhỏ dưới 6 tháng thường ít bệnh đường hô hấp là nhờ kháng thể có sẵn từ mẹ truyền sang con. Kháng thể này giúp trẻ tránh được một số tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp, nhưng sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều với môi trường hơn sẽ dễ mắc bệnh hô hấp.
Triệu chứng của bệnh hô hấp là ho, sổ mũi có trẻ kèm sốt. Nhưng điều quan trọng nhất là phụ huynh cần học cách đếm nhịp thở và nhìn cách bé thở để biết bé có bệnh hô hấp nặng hay không. Khi bé thở nhanh theo lứa tuổi, khó thở rút lõm ngực, phập phồng cánh mũi là lúc đó bé đã bị nặng, nên cần đến bệnh viện ngay.
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh.
- Triệu chứng khi trẻ bị viêm phổi là gì? Và có trường hợp nào bé không thể tiêm ngừa Vắcxin ngừa phế cầu hay không? (Trần Tiến)
Chào bạn,
Viêm phổi là tình trạng viêm của nhu mô phổi - nơi trao đổi khí với máu tạo oxy cho cơ thể và thải CO2 ra ngoài. Viêm phổi có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phế cầu là nguyên nhân thường gặp, cho nên chích phế cầu không thể ngừa được tất cả viêm phổi, nhưng cũng cần phải chích vì đây là nguyên nhân khá nguy hiểm. Ngoài ra, để phòng ngừa viêm phổi, cần rửa tay, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, dinh dưỡng đủ, tránh môi trường gây hại cho đường hô hấp như lạnh, nóng, khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
- Với thời tiết giao mùa thất thường như hiện nay thì làm sao để trẻ nhỏ không bị ho và cảm? Cám ơn bác sĩ! (Phạm Quốc Bảo)
Chào bạn,
Ho và cảm là chuyện rất thường gặp, đặc biệt ở trẻ em vì khi ho, cảm chính là lúc cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Kháng thể này giúp phòng bệnh cho lần sau nhưng nếu ho và cảm ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần phòng tránh.
Tới thời tiết giao mùa, cần tránh tiếp xúc đột ngột với môi trường thay đổi. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, rửa tay, tiêm ngừa các loại tác nhân gây bệnh có vắcxin.
- Bệnh viêm phổi do phế cầu thường xảy ra vào khoảng thời gian nào là nhiều nhất và tình hình về bệnh hiện nay là như thế nào? (Quốc Trung)
Chào bạn,
Bệnh viêm phổi do phế cầu xảy ra quanh năm, nhưng nhiều hơn vào lúc chuyển từ nóng sang lạnh và lúc thời tiết rất nóng.
Hiện ở trẻ em và người lớn tuổi thì tác nhân chính gây viêm phổi là vi khuẩn phế cầu, mà như chúng ta biết thì viêm phổi là bệnh chính tại nhiều bệnh viện nhi của các thành phố lớn.
- Mức độ nguy hiểm của việc bị nhiễm phế cầu khuẩn là gì? (Hoàng Giang)
Chào Giang,
Phế cầu khuẩn thông thường có ở vùng tai mũi - họng của người lành. Vi khuẩn này chỉ nguy hiểm khi tấn công vào các cơ quan, trong đó gồm có viêm tai để lại hậu quả giảm thính lực. Viêm màng não rất khó điều trị và có thể để lại di chứng. Viêm phổi gây suy hô hấp, một số trường hợp có thể gây tử vong. Một điều quan trọng cần quan tâm là phế cầu hiện nay kháng với nhiều loại kháng sinh, do đó để điều trị khỏi bệnh do phế cầu thì cần phải dùng nhiều loại kháng sinh đắt tiền và thời gian điều trị kéo dài.
- Tôi đọc báo thấy vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm, làm cho các bé bị các bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết đặc biệt là viêm phổi và hô hấp làm trẻ phải chịu nhiều di chứng, thậm chí là tử vong. Vậy thì phải làm thế nào để tránh được loại bệnh này gây ra? Nếu mắc phải thì phải điều trị ở đâu, trong thời gian bao lâu? (Thanh Huy)
Chào bạn,
Vi khuẩn phế cầu có trong vùng tai - mũi - họng của người lớn và có thể những người này không có biểu hiện bệnh, nhưng lại phát tán vi khuẩn vào không khí và lây cho các trẻ. Điều này rất khó tránh khi trẻ sinh hoạt và tiếp xúc với người lớn.
Để phòng tránh, bảo đảm rửa tay, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, có điều kiện nên chích ngừa.
Nếu không may mắc bệnh, những trường hợp nhẹ như viêm tai, viêm mũi họng thì có thể điều trị ngoại trú; nhưng nếu bị nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi cần được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vì cần được chăm sóc và theo dõi sát để tránh tử vong và di chứng.
- Thưa bác sĩ, thời tiết chuyển mùa, bé nhà tôi ho và sổ mũi liên tục, tôi có nên cho bé uống kháng sinh không ạ? (Tuyết)
Chào Tuyết,
Trẻ nhỏ rất dễ ho, sổ mũi nhưng đa số các trường hợp là do virus nên không phải tất cả các trường hợp ho, sổ mũi đều dùng kháng sinh. Nếu bé mới bị ho, sổ mũi không có thở nhanh, nước mũi vẫn trong thì nên sử dụng các biện pháp thông thường như thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý chứ không nên tự sử dụng kháng sinh.
- Xin chào bác sĩ, bé nhà em được 21 tháng tuổi, bé rất hay bị sổ mũi, ho. Mỗi lần bị bệnh là kéo dài hơn tháng mới hết bệnh. Cứ gần khỏi thì đi học lại bị tái bệnh. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách phòng và điều trị bệnh hô hấp với ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Trần Thị Kim Cúc, 34 tuổi, P.12 tp Vũng Tàu)
Chào bạn,
Trẻ nhỏ thường mắc bệnh từ sau 6 tháng tuổi đến hết 3 tuổi thì tần suất bệnh sẽ giảm dần. Những trẻ mới đi nhà trẻ do chưa quen môi trường nên tần suất bệnh có thể nhiều hơn, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Để phòng ngừa bệnh hô hấp nên:
- Rửa tay.
- Tránh môi trường khói bụi.
- Bảo đảm uống đủ nước, ngủ đủ giấc.
- Chích ngừa các loại vắcxin như sởi, ho gà, viêm màng não HIB, phế cầu, cúm.
Đặc biệt những trẻ có đi nhà trẻ, khi về đến nhà cần rửa mũi và thay quần áo ngay.
- Bé nhà em được 39 tháng, lúc 18 tháng bé bị viêm phổi phải trích kháng sinh cả nửa tháng. Bác sĩ cho em hỏi; bé đã bị viêm phổi rồi thì trích vắcxin ngừa phế cầu khuẩn có tác dụng không ạ? (NGUYỄN HUẾ, 34 tuổi, Tiền giang)
Chào bạn,
Viêm phổi do nhiều tác nhân, có khi do phế cầu, có khi không phải do phế cầu. Ngay cả trường hợp bé bị một lần viêm phổi do phế cầu thì cũng không thể tạo được miễn dịch lâu dài vì khả năng tạo miễn dịch từ một lần nhiễm rất thấp. Mặt khác, phế cầu có nhiều tuýp khác nhau mà mỗi lần bệnh thì chỉ bị một tuýp. Do đó, dù có mắc bệnh viêm phổi do phế cầu hay không cũng nên chích ngừa khi có điều kiện.
- Bệnh hô hấp ở trẻ có lây nhiễm không và có cách nào phòng ngừa sự lây nhiễm này? (Nguyễn Trung Nghĩa)
Bệnh hô hấp rất dễ lây vì đa số tác nhân từ người bệnh phát tán ra môi trường qua đường không khí. Phòng ngừa lây nhiễm cũng là biện pháp cơ bản cách ly người bệnh, rửa tay, mang khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường có bệnh. Khi có điều kiện chích ngừa các tác nhân có vắc xin.
- Bác sĩ Khanh ơi, con đang có thai tới tháng cuối và sắp sinh nên rất quan tâm đến kiến thức chăm sóc con, bác cho con hỏi thường bệnh hô hấp thì thường triệu chứng như thế nào? Ở các độ tuổi khác nhau thì nó có khác nhau không bác? (Trần Hồng, 23 tuổi)
Chào Hồng,
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng thường ít bệnh đường hô hấp là nhờ kháng thể có sẵn từ mẹ truyền sang con. Kháng thể này giúp trẻ tránh được một số tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp, nhưng sau 6 tháng trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều với môi trường hơn sẽ dễ mắc bệnh hô hấp.
Triệu chứng của bệnh hô hấp là ho, sổ mũi có trẻ kèm sốt. Nhưng điều quan trọng nhất là phụ huynh cần học cách đếm nhịp thở và nhìn cách bé thở để biết bé có bệnh hô hấp nặng hay không. Khi bé thở nhanh theo lứa tuổi, khó thở rút lõm ngực, phập phồng cánh mũi là lúc đó bé đã bị nặng, nên cần đến bệnh viện ngay.
- Bé nhà mình được hơn 9 tháng, đợt vừa rồi cháu bị viêm phế quản đã uống kháng sinh một tuần, nằm viện điều trị 9 ngày uống thuốc kháng sinh của bác sĩ 5 ngày và uống thuốc đông y thêm 4 ngày. Sau khoảng vài ngày, cháu đã khỏi hẳn nhưng rất biếng ăn dù trước đây cháu rất hay ăn, cháu chỉ ăn ít một và ăn những đồ lạ miệng. Hôm qua mình phát hiện ở lưỡi cháu có một số nốt đỏ, không phải mụn, không hẳn là vết loét chỉ là vết rất đỏ, mặt và bụng cháu cũng có một số mụn như rôm. Vậy hiện tượng này là như thế nào thưa bác sĩ? (Kiều Võ Sỹ Trung)
Lưỡi đỏ như vậy có khả năng là hậu quả sau một thời gian dài dùng kháng sinh hay các loại thuốc. Khi lưỡi đỏ như vậy có thể làm trẻ biếng ăn do đau nhưng cũng có thể sợ ăn vì một thời gian dài sợ uống thuốc. Cách tốt nhất bây giờ là nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, nhiều bữa, làm sữa hơi mát một chút để dụ bé bú. Có thể rơ miệng bằng nước muối sinh lý, dùng dung dịch Borate hay Denicol.
- Em bé nhà cháu tiêm phế cầu lúc tháng thứ 4 mũi 1 về sốt hơn 38 độ nên cháu ngần ngại chưa dám cho đi tiêm mũi 2. Mà mấy nay lúc thì khụt khịt mũi, lúc lại có đờm. Đến giờ là hơn 7 tháng, cháu định đưa bé đi tiêm mũi 2 liệu có được không ạ? Cháu cảm ơn! (Nguyễn Thị Thiền, Hà Nội)
Chào Thiền,
Vắcxin nào cũng có thể gây sốt, nếu sốt dưới 39 độ sau chích ngừa cũng không lạ. Do vậy, bạn nên cho bé chích tiếp để đủ liều.
Nếu bé chích trễ thì chỉ cần chích thêm chứ không chích lại từ đầu. Bệnh nhẹ vẫn có thể chích được.
- Tỷ lệ trẻ tử vong do hô hấp cấp có cao không? (Lê Trinh)
Hiện nay viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt các bé suy dinh dưỡng, tình trạng miễn dịch kém và có nhiều dị tật kèm theo.
- Trong nhà có người lớn bị viêm phổi, nhưng đã chữa hết, thỉnh thoảng bệnh cũng tái phát. Nếu vậy thì, bé sống chung với họ có bị sao không bác sĩ? Người đó có thể ẵm bồng, chăm sóc bé? Có dùng chung chén muỗng ăn được không? (Kim Thoa)
Bệnh hô hấp ở người lớn cũng có thể lây sang trẻ em, đặc biệt là bệnh lao. Nếu người lớn đang bị bệnh đường hô hấp nên mang khẩu trang để bảo vệ cho người xung quanh và tránh tiếp xúc với trẻ em. Nếu là bệnh hô hấp thông thường thì dùng chung chén muỗng không lây.
- Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết trẻ mấy tháng tuổi mới có thể tiêm ngừa vi khuẩn phế cầu? (Mai)
Chào bạn,
Trẻ có thể chích ngừa phế cầu từ lúc 6 tuần tuổi cho đến 5 tuổi tùy theo lứa tuổi mà số mũi chích 2-4 mũi.
- Con tôi được 5 tháng, vừa rồi bác sĩ có tư vấn tiêm vắc xin ngừa phế cầu nhưng tôi lo quá nhiều vắc xin cho bé sẽ sốt và không tốt, tôi muốn để bé lớn 3-4 tuổi đi học nhà trẻ tiếp xúc ở ngoài nhiều thì mới cần tiêm vắc xin phòng phế cầu có được không? (Lan Anh)
Vắc xin nào cũng có thể gây sốt. Sốt sau chích vắc xin là hiện tượng tốt, chứng tỏ cơ thể đã có khả năng tạo miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh sau này. Phế cầu có thể gặp ở trẻ rất nhỏ, trẻ càng nhỏ bệnh càng nặng, do đó không nên chờ trẻ lớn vì nếu chờ không may trẻ mắc bệnh thì sao.
- Xin bác sĩ cho biết bệnh này là do cha mẹ không giữ ấm tốt cho bé hay do sức đề kháng của bé không tốt hay vì nguyên nhân nào khác? Trẻ còn nhỏ và uống kháng sinh nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe không? (Trần Thảo)
Chào Thảo,
Giữ ấm cho trẻ, sức đề kháng tốt chỉ là một yếu tố góp phần giúp trẻ ít bệnh chứ không thể phòng ngừa được tất cả tác nhân gây bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học mới chế vắcxin cho các trẻ. Kháng sinh chỉ khi cần mới uống, tùy loại kháng sinh và thời gian sử dụng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của trẻ.
- Làm sao để nhận biết được là bé bị viêm phổi do phế cầu và sự nghiêm trọng của bệnh này là như thế nào thưa bác sĩ? (Phượng)
Muốn biết viêm phổi do phế cầu hay không cần phải làm xét nghiệm tìm vi trùng. Tuy nhiên viêm phổi do tác nhân vi khuẩn thì thường có biểu hiện giống nhau: trẻ sốt ho và quan trọng nhất là thở nhanh, thở rút lõm, thở khó làm cánh mũi phập phồng. Với tác nhân phế cầu thì viêm phổi nghiêm trọng hơn vì vi khuẩn này kháng kháng sinh nhiều nên điều trị khó khăn và tốn kém.
- Con của em 26 tháng, 12,5kg, 89 cm. Trong quá trình điều trị bệnh viêm phế quản từ tháng 4 đến tháng 7, bác sĩ nói cháu đã chuyển qua hen suyễn; gia đình rất bất ngờ và không hiểu tại sao bị hen, trong khi cháu vẫn đi khám bệnh thường xuyên theo quy trình, gia đình thì không ai bị hen. Giờ hầu như tháng nào cháu cũng bị ho, sổ mũi; dùng thuốc xịt hen mỗi ngày, không tăng cân được, không vui chơi nhiều được vì sẽ bị ho và ói. Bác cho em hỏi bệnh này có cách nào trị dứt điểm không ạ ví dụ theo Đông y vì theo như em biết thuốc trị hen Tây y sẽ gây ra khá nhiều tác dụng phụ.
Xin cám ơn bác. (Phương)
Chào bạn,
Hen suyễn ở trẻ em cũng không lạ vì tỷ lệ này có khi đạt 5-10% tùy vùng. Không phải tất cả trẻ bị hen suyễn đều có gia đình mắc những bệnh liên quan đến dị ứng. Nếu trẻ có cơn suyễn điển hình thì việc phòng ngừa, tránh tái phát cơn là rất quan trọng. Một điều may mắn là đa số các trẻ nhỏ mắc suyễn thì lớn sẽ hết, chứ không phải như người lớn mắc suyễn có thể bị suốt đời.
Bạn nên cho trẻ khám quản lý suyễn tại cơ sở có chuyên hô hấp nhi vì việc phòng ngừa với phương pháp sử dụng thuốc là rất quan trọng.
Về sinh hoạt thông thường, bạn nên cho trẻ tránh các điều kiện khởi phát cơn suyễn như khói, bụi, khói thuốc lá, các loại thức ăn có thể gây dị ứng; cho trẻ chủng ngừa cúm và phế cầu.
- Nếu như trong lịch trình tiêm, cha mẹ lỡ quên mất một mũi thì phải giải quyết như thế nào thưa bác sĩ? (Yến Đặng)
Trong lịch tiêm nếu lỡ quên một liều hay nhiều liều thì chích tiếp bù các liều quên chứ không cần thiết phải chích lại từ đầu.
- Các cháu nhà em cũng hay bị ho, sổ mũi, đặc biệt về mùa lạnh. Các cháu đã tiêm đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm mở rộng và thêm loại vắc xin dịch vụ viêm não Nhật Bản. Vậy hai cháu có cần tiêm loại vắc xin viên phế cầu nữa hay không? Nếu tiêm thì đăng ký ở đâu ạ? (Lê Thị Phi)
Một trẻ dễ mắc bệnh ho sổ mũi đặc biệt về mùa lạnh thì ngoài việc giữ ấm, uống đủ nước thì nên tiêm hai loại vắc xin cúm và phế cầu. Đây là vắc xin không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay đa số các cơ sở tiêm dịch vụ có tiêm hai vắc xin này.
- Tôi có cháu 6 tháng tuổi cháu rất hay ho nặng tiếng, khi thở có tiếng khò khè trong cổ mỗi khi thời tiết thay đổi. Vậy xin hỏi bác sĩ tôi cần làm những gì để phòng tránh cho cháu không bị bệnh ho lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Xin cảm ơn bác sĩ. (Đặng vũ Đức, 50 tuổi, 30/292/lạch tray/ Hải Phòng)
Chào Đức,
Theo như bạn mô tả thì bé có thể bị dị ứng thời tiết. Để phòng ngừa, bạn nên cho bé sinh hoạt tránh nóng hoặc lạnh quá; giữ ấm lòng bàn chân mỗi tối bằng cách mang vớ hay bôi dầu; cho bé bú đủ khi bị sổ mũi thì nên nhỏ mũi ngay nước muối sinh lý, đừng để sổ mũi lâu. Khi bé bị ho, bạn nên cho bé dùng thuốc ho thảo dược, chú ý cách bé thở để phát hiện có bị viêm phổi không.
- Bé nhà mình cũng không nhớ đã chích ngừa phế cầu chưa, nhưng nay đã được hơn 5 tuổi rồi, vậy có còn chích ngừa phế cầu được không, đến tuổi nào thì trẻ không thể chích ngừa phế cầu nữa thưa bác sĩ? (Nguyễn Như)
Bé đã hơn 5 tuổi thì đã qua giai đoạn dễ mắc phế cầu nên không cần thiết phải chích ngừa phế cầu, trừ trường hợp bé có cơ địa suyễn hay bệnh lý cần dùng thuốc gây giảm miễn dịch kéo dài thì mới bàn đến việc tiêm vắc xin phế cầu hay không.
- Vắcxin ngừa phế cầu khuẩn có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia không? Nếu muốn tiêm thì tiêm ở đâu? Chi phí như thế nào? Tuổi nào tiêm thì tốt nhất?
Trân trọng cảm ơn. (Nguyễn Ngọc Sơn, 36 tuổi, Yên Bái)
Chào bạn,
Đây là vắcxin không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên khi chích phụ huynh phải trả tiền, chi phí khá đắt nhưng giá trị phòng ngừa khá quan trọng. Hiện đa số các điểm tiêm vắcxin dịch vụ đều có loại vắcxin này. Tuổi cần chích từ 6 tuần đến 5 tuổi.
- Thưa bác sĩ, có phải nguyên nhân gây ra tất cả bệnh về hô hấp ở trẻ em đều là do phế cầu hay không? Có cách nào để phòng tránh không ạ? (Vy Lam)
Bệnh đường hô hấp trẻ em có rất nhiều tác nhân, đasố là virus chứ không phải chỉ do phế cầu nhưng phế cầu là loại vi khuẩn chính yếu gây viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Phòng tránh bằng các phương pháp phòng bệnh qua đường hô hấp thông thường và tiêm vắc xin khi có điều kiện.
- Bé nhà tôi được 9 tháng tuổi, đã được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi. Bé được điều trị kháng sinh để hạ sốt nhưng vẫn còn khò khè vào buổi tối và ho có đàm.
Tôi nên làm gì để bé không bị khò khè nữa? Nhà tôi thường xuyên xài máy lạnhvới nhiệt độ trong nhà là 27 độ. Mong các bác sĩ giúp vì không muốn cho cháu uống nhiều kháng sinh và thuốc Tây. Cám ơn bác sĩ. (Lê Mỹ Hương)
Chào Hương,
Một số trẻ sau khi viêm phổi hay viêm tiểu phế quản dù đã hết bệnh nhưng vẫn còn thở khò khè. Nếu trẻ khò khè hay ho ngày càng nhiều thì nên tái khám.
Bạn nên cho trẻ bú nhiều, uống đủ nước để đàm loãng ra và tự tiêu đi. Nhiệt độ phòng 27 độ là hợp lý, nhưng nên tránh trẻ sinh hoạt dưới luồng gió của máy lạnh vì ở đó nhiệt độ rất thấp.
- Chào chương trình, con tôi bị dị ứng hen phế quản, có yếu tố gia đình. bác sĩ có thể tư vấn hướng điều trị và phòng ngừa tái phát cho bé? Cám ơn chương trình và bác sĩ! (Uyên My)
Bệnh hen phế quản hay một số bệnh dị ứng khác thường xuất hiện ở trẻ mà gia đình cùng có nhiều người mắc. Để phòng ngừa nên tìm hiểu các yếu tố khởi phát cơn hen mà tránh, thường là: thức ăn (khi ăn món nào thấy cơn hen khởi phát nên tránh), môi trường thường là khói bụi, khói thuốc lá, lông súc vật. Có một số trẻ lại khởi phát cơn hen sau khi hoạt động nặng thì cũng nên tránh hoạt động quá sức.
Nếu trẻ lên cơn hen thường xuyên khó kiểm soát nên có kế hoạch phòng ngừa bằng những loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên hô hấp nhi.
- Thưa bác sĩ, viêm màng não do phế cầu thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Vậy khả năng xảy ra ở trẻ em trên 2 tuổi như thế nào? Và có vắcxin nào để phòng ngừa không? (Vũ Văn Trung)
Chào bạn,
Trước kia, khi chưa chích ngừa HIB thì tác nhân này thường gây viêm màng não mủ hơn phế cầu (lúc đó phế cầu thường gây bệnh viêm màng não cho trẻ trên 5 tuổi). Hiện nay, phế cầu có thể gây bện viêm màng não mủ cho tất cả lứa tuổi, kể cả bé dưới hoặc trên 2 tuổi. Do đó, nếu có điều kiện, bạn nên cho trẻ tiêm ngừa vắcxin từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.
- Thưa bác sĩ, cháu có bé trai lớn năm nay 8 tuổi đang điều trị suyễn tại bệnh viện Y dược, hiện bé rất ít lên cơn suyễn. Tuy nhiên, bé gái của cháu dạo gần đây hay thở nặng, bụng thoi thóp khi thở. Mỗi khi nằm máy lạnh là mũi bé nghẹt và khó thở ngay. Có phải bé gái cũng có nguy cơ bị suyễn di truyền như anh trai không bác? Mỗi khi bé sổ mũi, ho đàm, cháu không muốn đi bệnh viện vì sợ bé bị cho uống kháng sinh nhưng chồng cháu lại không yên tâm. Bác cho cháu hỏi trẻ nhỏ khi ho, sổ mũi đến mức độ nào mới cần thiết để đi bệnh viện? Cháu xin cảm ơn! (Phạm Thị Vân Phương)
Có một số trẻ bị suyễn nhưng lại không biểu hiện điển hình của cơn suyễn (ho nhiều, khò khè, khi thở vùng cuối của cổ hõm vào) mà lại có biểu hiện nặng thở, ho kéo dài. Nếu bé khởi phát ngay khi nằm máy lạnh nên tránh luồng gió của máy lạnh và nhiệt độ máy lạnh cần để khoảng 27 độ. Nếu tình huống này xảy ra nhiều nên cho bé đi khám chuyên hô hấp nhi để xem bé có bị suyễn như anh mình hay không. Khi bé mới ho sổ mũi thì thường chỉ cần uống thuốc ho thảo dược, làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý. Nếu bé ho kéo dài, dịch mũi đục, khó thở, thở nhanh thì nên đi bác sĩ.
- Chào chương trình, mỗi khi con tôi bị bệnh đưa đi bệnh viện hay bác sĩ đều kê cho thuốc kháng sinh rất nhiều, nhưng tôi có tìm hiểu thì dùng kháng sinh nhiều không tốt cho sức khỏe. Vậy thì có cách nào để khi bị các bệnh về đường hô hấp trẻ không phải dùng kháng sinh không? Cám ơn chương trình. (Đặng Thị Mai)
Chào Mai,
Kháng sinh chỉ khi cần mới sử dụng. Bạn nên chọn bác sĩ đáng tin nếu cảm thấy lo khi dùng kháng sinh nhiều. Thông thường, bé vừa ho, sổ mũi thì nguyên nhân thường gặp là virus, nên chỉ cần uống thuốc ho thảo dược và dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi. Chỉ khi trẻ có thở nhanh hay khó thở thì mới bàn đến kháng sinh. Một số trường hợp khác như dịch mũi đục cũng có thể dùng. Một số bác sĩ có kinh nghiệm nhìn vẻ mặt của trẻ cũng có thể đoán là khả năng do vi trùng, nhưng điều này rất khó.
- Chương trình cho mình hỏi câu hỏi như sau:
Bé trai 10 tháng, cao 74cm, nặng 9kg. Buổi tối bé ngủ hay khò khè, ngủ không sâu giấc, thỉnh thoảng ra mồ hôi ở đầu. Khi lúc chuyển thời tiết bé hay bị ho, sổ mũi.
Xin cho hỏi cách để phòng và trị cho bé ạ?
Cám ơn bác sĩ! (Nguyễn Ngọc Thùy, 28 tuổi, 31 Trường Sơn, P4, Tân Bình)
Cân nặng và chiều cao như vậy là không suy dinh dưỡng. Trẻ có đổ mồ hôi đầu thường do thời tiết hay do khả năng điều tiết mồ hôi của trẻ chứ không phải do bệnh hay thiếu chất. Khi bé ngủ có tiếng thở khò khè, ngủ không sâu nên xem bé có nghẹt mũi hay không, cho bé nằm đầu cao một tý. Khi thời tiết chuyển mùa nên giữ ấm, bú đủ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc thì khả năng mắc bệnh hô hấp sẽ ít hơn. Nên chích ngừa các loại vắc xin phòng bệnh đường hô hấp trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi có điều kiện thì chích cúm và phế cầu.
- Nếu bị viêm phổi lúc nhỏ thì có ảnh hưởng đến phát triển của bé không? (Nguyễn Thị Yên)
Chào Yên,
Nếu trẻ mắc bệnh viêm phổi đã chữa khỏi thì không có ảnh hưởng gì đến phát triển cả. Ngoại trừ những trường hợp bị viêm phổi rất nặng, có biến chứng tràn mủ màng phổi gây dính lồng ngực mới có thể ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng thở của bé về sau.
- Chào bác sĩ, em bé nằm quạt máy thường xuyên thì có ảnh hướng gì đến hệ hô hấp của bé không ạ? Máy điều hòa và quạt thì cái nào tốt hơn? (Anh Vũ, 31 tuổi)
Nằm quạt trực tiếp và nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp cho nên khi cần nằm quạt do thời tiết quá nóng nên cho quạt xoay và tốc độ không cao. Nằm máy lạnh tốt hơn nằm quạt nhưng nhiệt độ không nên lạnh lắm, tốt nhất khoảng 27 độ và tránh luồng gió từ máy lạnh thổi vào bé trực tiếp.
- Bé nhà em được 3 tháng, mới chích 5 trong 1 mũi đầu tiên được 2 ngày (bé có sốt). Vậy khi nào em cho bé chích ngừa phế cầu được ạ? (Khả Hân, 28 tuổi)
Chào bạn,
Mũi 5 trong 1 và mũi phế cầu có thể chích cùng ngày hay cách bao lâu cũng được. Hiện nay, có quan niệm là 2 mũi này cần phải cách nhau 1 tháng là không đúng. Do vậy, bé có thể chích phế cầu bất cứ lúc nào.
- Nhờ bác sĩ Khanh tư vấn giúp biểu hiện của viêm họng do vi khuẩn và viêm họng do vi rút khác nhau như thế nào? Loại viêm họng nào thì cần phải dùng kháng sinh thì mới hết dứt? Cảm ơn bác! (Ngọc Yến, 25 tuổi)
Để phân biệt viêm họng do vi rút hay vi khuẩn không dễ, ngành y cũng đã cố gắng tìm mọi cách để phân biệt nhằm giúp tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết. Thông thường trẻ có kèm ho sổ mũi, sụt sịt thường do vi rút. Trẻ dưới 2 tuổi cũng thường do vi rút, trẻ lớn trên 3 tuổi kèm sốt cao đau họng thường do vi trùng. Viêm họng do vi trùng mới cần dùng kháng sinh. Thông thường kháng sinh chỉ sử dụng 3-7 ngày là đủ.
- Tại sao trẻ em lại hay mắc các bệnh đường hô hấp cấp tính? Cách phát hiện bệnh đuờng hô hấp cấp qua các triệu chứng của trẻ? Xin bác sĩ giải đáp giúp. (Phạm Thị Huệ)
Chào Huệ,
Tác nhân gây bệnh hô hấp có nhiều trong không khí và cũng lây lan qua đường không khí, ăn uống thì có thể tránh nhưng hít thở thì làm sao mà mà tránh được. Trẻ dưới 6 tháng có kháng thể của mẹ, ít ra môi trường nên ít tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nên ít bệnh. Khi lớn dần, lượng kháng thể của mẹ hết, trẻ lại phải tiếp xúc dần với môi trường hít thở nhiều, nên rất dễ bị các bệnh hô hấp. Điều này không thể tránh được. Khi trẻ thật lớn nhờ vắc xin và nhờ những lần bệnh trước đó tạo kháng thể cho trẻ, nên trẻ ít bệnh dần. Triệu chứng của hô hấp cấp tính cũng là sốt, ho, sổ mũi nặng hơn thì thở nhanh, khó thở.
- Chào bác sĩ!
Hiện con em hiện được 4,5 tháng tuổi, cân nặng 8.5kg và là con trai. Cách đây 1,5 tháng, cháu bị viêm phổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong đường thở khò khè, có đàm. Sau điều trị 5 ngày, cháu đã bớt bệnh và xuất viện. Được bác sĩ chỉ định mua thêm thuốc về uống trong nửa tháng nữa. Tuy nhiên cháu uống đến nay khi cháu ngủ em vẫn nghe tiếng khò khè trong đường thở.
Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để trị dứt điểm tình trạng này? Liệu khò khè dai dẳng có ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé không? Em nên phòng tránh bệnh này cho bé như thế nào là đúng?
Em xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Thành An, 29 tuổi, Ninh Đông - Ninh Hòa - Khánh Hòa)
Theo mô tả bé này có thể bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm nên cần phải tiêm kháng sinh. Sau viêm tiểu phế quản có một số trẻ sẽ khò khè thêm một hai tuần và hết dần, chỉ cần cho trẻ bú nhiều để đàm loãng ra. Nếu trẻ vẫn bú tốt, vui vẻ thì từ từ sẽ hết khò khè.
- Xin chào bác sĩ, cháu nhà con được 11 tháng, nặng 8,5kg. Bé có bị ho có đờm, sổ mũi nhiều, dịch mũi nhầy màu trắng, thỉnh thoảng có màu xanh. Cháu đã đi khám bác sĩ, nói bị viêm hô hấp trên, uống thuốc hơn 10 ngày rồi mà chưa khỏi. Xin hỏi cháu phải làm sao? Xin cảm ơn bác sĩ! (Huỳnh Thu Hiền)
Khi trẻ có sổ mũi, đọng nước mũi nhiều trong mũi thì việc làm sạch mũi rất quan trọng. Nước mũi nhiều làm bé khó thở, thở bằng miệng cũng sẽ làm bé ho. Nước mũi đọng chảy xuống thành họng cũng kích thích làm trẻ ho. Nên cho trẻ nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, nếu cần thì phụ huynh dùng miệng hút sạch mũi bé (sau khi đã súc miệng nước muối), uống các loại thuốc ho thảo dược.
- Con gái tôi được 8 tháng tuổi. Chắc do thời tiết dạo này hay thay đổi, nên khi tôi thấy cháu bị ra mồ hôi ở trên đầu rất nhiều nhất là hai bên thái dương, tôi cởi bớt áo cho cháu nhưng sau đó cháu lại bị ho. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Thị Thùy)
Chào Thùy,
Trẻ nhỏ rất dễ đổ mồ hôi, nguyên nhân là do thời tiết hay do khả năng điều tiết mồ hôi của trẻ chưa hoàn hảo, lớn dần sẽ hết. Bạn không nên cởi áo bé ra khi thấy mồ hôi nhiều, chỉ cần cho bé bú nhiều, lau mồ hôi, mặc áo bằng vải hút ẩm, xem lại thời tiết như thế nào...
- Con trai tôi mới 16 tháng rưỡi. Gần đây cứ cách khoảng 2 tuần cháu lại bị ho và sổ mũi nhưng không sốt. Như vậy cháu có bệnh gì không? Nếu bệnh cứ lặp đi lặp lại thì có nguy hiểm gì không? Nhờ bác sĩ chỉ cho cách phòng ngừa? (Nguyễn Kim Phương)
Coi lại môi trường có khói bụi hay không, xem lại sinh hoạt có nóng quá hay lạnh quá không. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Nếu sổ mũi kéo dài và đục dễ tái phát thì nên khám chuyên tai mũi họng coi có bị VA hay không.
- Thưa bác sĩ, bé gái nhà em 39 tháng tuổi, hay bị ho, viêm phổi, nhẹ cân (12kg) nhưng chưa chích mũi phế cầu nào thì giờ có thể chích được hay không? (Nam Do, 46 tuổi)
Bé cân như vậy là hơi yếu nên coi lại dinh dưỡng, sổ giun, xem bé ăn có thiếu dầu ăn hay không. Nếu bé hay ho sổ mũi nên xem lại sinh hoạt và môi trường. Tuổi này vẫn có thể chích ngừa phế cầu để phòng các bệnh do phế cầu, trong đó có bệnh của hệ hô hấp.
- Tình trạng viêm phổi ở trẻ là điều không thể tránh khỏi. Cách xử trí khi bé bị viêm phổi thế nào?. Xin bác sĩ cho lời khuyên làm cách nào để tránh tình trạng viêm phổi ở trẻ một cách thiết thực nhất. (Hưng Thịnh, 38 tuổi, TP HCM)
Chào bạn,
Viêm phổi cũng như các bệnh đường hô hấp, thường hay gặp ở trẻ em và gần như trẻ dưới 3 tuổi cũng bị vài lần trong năm. Do đó, việc chăm sóc và phòng ngừa trẻ bệnh hô hấp rất quan trọng.
Khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bạn không nên tự cho trẻ dùng kháng sinh, ban đầu chỉ cần uống thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, bú đủ, uống đủ nước thì đa số các trẻ sẽ khỏi dần sau 5-7 ngày.
Quan trọng nhất là bạn nên theo dõi cách trẻ thở; nếu thở nhanh, khó thở thì trẻ có thể bị viêm phổi. Bạn nên cho trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Để phòng ngừa tình trạng viêm phổi, bạn nên cho trẻ tránh nóng và lạnh quá, tránh khói bụi. Nếu trẻ có cơ địa dị ứng, bạn nên chú ý thêm thức ăn và lông súc vật.
Để tăng sức đề kháng, bạn cần cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước, bổ sung đủ dinh dưỡng; phải cho trẻ chích ngừa tất cả vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi có điều kiện, bạn nên cho trẻ chích thêm phế cầu và cúm.
Thu Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét