Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Trẻ táo bón, chậm lớn vì thừa canxi

Chị Hoa cho biết gần đây muốn cậu con trai 2 tuổi cứng cáp và đạt chiều cao tốt nhất, chị cho bé uống các loại sữa bổ sung nhiều canxi. Chị cũng bổ sung vitamin D để con tăng khả năng hấp thụ canxi, đồng thời cho ăn thêm các loại bánh, cốm tăng cường canxi. Chị Hoa không ngờ việc này lại gây tác dụng phụ là khiến con biếng ăn, táo bón.

Tương tự, chị Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bất ngờ khi bác sĩ dinh dưỡng thông báo tình trạng chậm phát triển chiều cao của bé gái 5 tuổi nhà chị có thể do cháu được bổ sung canxi quá mức.

"Vợ chồng tôi đều thấp nên luôn sợ con sẽ lùn, cố gắng cho cháu uống nhiều sữa, kết hợp với uống bổ sung thuốc canxi để phát triển tốt chiều cao", chị Bình thổ lộ. Tuy vậy, khi đưa con đi khám vì chậm tăng cân và tăng chiều cao, chị được bác sĩ giải thích: Việc bổ sung nhiều canxi quá mức làm xương trẻ cứng sớm và giảm khả năng phát triển chiều cao của con.

child-drinking-milk-9391-1426557328.jpg

Ảnh minh họa: Medicalnewstoday.com.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng phòng khám Cây Thông Xanh (Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng) cho biết, canxi có vai trò quan trọng đối với các bộ phận trong cơ thể như xương, hệ thần kinh, cơ bắp và hệ miễn dịch... Đối với xương, canxi là thành phần quan trọng nhất, chiếm khoảng 70% trọng lượng xương. Ở trẻ em, thiếu canxi sẽ làm cho xương nhỏ, yếu, trẻ chậm lớn, thấp chiều cao, bị còi xương, răng mọc chậm hoặc không đều.

Đối với hệ thần kinh, canxi tham gia vào hoạt động của tuyến yên, đảm bảo sự dẫn truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh với nhau và giữa tế bào thần kinh với các tế bào khác. Do vậy mà khi trẻ thiếu canxi thường có các biểu hiện: đêm ngủ hay giật mình và quấy khóc, dễ nổi cáu, mồ hôi trộm, rụng tóc.

Đối với cơ bắp, canxi có vai trò quan trọng đối với vận động của cơ bắp, cơ tim và cơ trơn. Thiếu canxi làm trẻ bị yếu sức, chậm biết đi, ảnh hưởng đến chức năng chuyển máu của cơ tim, gây ra tình trạng tiêu hóa kém, chán ăn, đầy bụng, táo bón.

Đối với hệ miễn dịch, canxi tham gia vào quá trình tiêu diệt những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Trẻ thiếu canxi thường bị viêm nhiễm đường hô hấp do miễn dịch kém.

Theo bác sĩ Lan, mặc dù canxi có vai trò quan trọng với cơ thể nhưng không có nghĩa cứ bổ sung càng nhiều thì càng tốt. Thừa canxi gây ra không ít những hậu quả nghiêm trọng như:

- Gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm.

- Gây quá tải cho thận, giảm chức năng thận về lâu dài gây sỏi niệu quản, sỏi thận, vôi hóa thận.

- Canxi hóa động mạch, xơ vữa động mạch.

- Gây mệt mỏi, kém ăn, táo bón.

- Gây rối loạn canxi trong máu, rối loạn nhịp tim.

Bác sĩ Thúy Lan lưu ý, nếu con có các dấu hiệu thừa canxi dưới đây, bố mẹ phải ngưng bổ sung ngay và nên đưa con đi khám:

- Táo bón, đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, biếng ăn.

- Đau xương, đau cơ.

- Rối loạn nhịp tim.

- Khát nước, tiểu nhiều, đi tiểu ra sỏi, đi tiểu ra máu.

Trẻ có thể được chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu định lượng canxi để xác định.

Bổ sung canxi đúng cách cho trẻ

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không có các dấu hiệu thừa hay thiếu canxi thì cách bổ sung tốt nhất là qua thực phẩm. Các loại thực phẩm giàu canxi là cua đồng, rạm tươi, tôm, tép, các loại ốc, cá tươi, sò đậu... Những thực phẩm này cung cấp canxi hữu cơ dễ hấp thu. Một số loại rau nhiều canxi như rau răm, mộc nhĩ, cần tây.

Muốn hấp thu canxi cần có vitamin D. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ thức ăn, ánh nắng mặt trời và uống bổ sung. Các loại thực phẩm giàu vitamin D gồm gan động vật, lòng đỏ trứng, cá hồi, pho mát, nấm...

Một số trường hợp hấp thu canxi kém cần phải bổ sung qua đường uống, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để bác sĩ tư vấn và đánh giá khẩu phần ăn của trẻ. Từ đó xác định trẻ có bất thường về canxi hoặc các vi chất khác hay không và chỉ định liều lượng phù hợp.

Bùi Thu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến