Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Thủ thuật xoay ngôi thai nhi đẻ ngược

Mang thai ở tuần thứ 37, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng vì em bé nằm ngược ngôi. Nhiều tuần qua, chị sử dụng các biện pháp đông tây y kết hợp để xoay chuyển tư thế của em bé nhưng không thành công. Chị được tư vấn phương pháp ECV - thủ thuật xoay thai bên ngoài ở tuần 37 bằng cách tiêm thuốc giãn tử cung và các bác sĩ sẽ trợ giúp để xoay em bé. Tuy nhiên, chị vẫn chưa quyết định sử dụng "chiêu thức" cuối cùng này vì sợ gặp rủi ro.

Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ở tuần 32-36 thai kỳ, thai nhi sẽ tự xoay chuyển cơ thể để về vị trí thuận lợi cho việc sinh nở. Ngôi thai lý tưởng nhất để cuộc sinh nở thuận lợi là ngôi xoay đầu, đầu bé chúc xuống và gáy quay về phía bụng mẹ. Tuy nhiên, một số bé chuẩn bị chui ra khỏi bụng mẹ với mông hoặc chân. Cũng có bé thích nằm ngang, đặt khuỷu tay hoặc cánh tay chắn ngang "lối ra". Tất cả những trường hợp trên gọi là ngôi thai bị ngược.

thu-thuat-xoay-ngoi-thai-nhi-de-nguoc

Ảnh: Mask.

Thủ thuật xoay thai ECV được thực hiện bằng cách tiêm thuốc làm giãn tử cung của thai phụ và bắt đầu xoay ngôi thai về vị trí thuận. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm thì quá trình này sẽ thất bại. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng được chỉ định thực hiện xoay ngôi thai. Các thai phụ mang song thai, ra máu, đa ối, từng sinh mổ, tử cung bất thường... thường bị cấm xoay ngôi thai.

Phương pháp ECV có tỷ lệ thành công khá cao, một số ít trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn khiến nhau thai bị đứt khỏi thành tử cung. Hậu quả là thai phụ buộc phải chỉ định mổ đẻ sau đó. Quá trình thực hiện ECV có thể làm giảm nhịp tim thai, nếu nhịp tim thai không nhanh chóng quay lại mức cân bằng, thai phụ sẽ được chỉ định mổ đẻ ngay. Đó là lý do thủ thuật xoay ngôi thai chỉ được tiến hành từ tuần thứ 37 trong bệnh viện, với những điều kiện đảm bảo việc mổ đẻ luôn sẵn sàng.

Trước đây khi y học hiện đại chưa phát triển, nhiều thầy thuốc khuyên các bà mẹ có tử cung bình thường mà thai ngôi ngược vào gần tháng đẻ hãy tập theo tư thế quỳ đầu gối, đầu cúi xuống giường, mông chổng ngược lên để thai tự quay đầu xuống dưới. Có thầy thuốc còn làm thủ thuật xoay thai bằng cách day nắn bên ngoài thành bụng để thai quay đầu xuống dưới, vào lúc chưa chuyển dạ hoặc ngay khi mới bắt đầu chuyển dạ. Tuy vậy những cách làm trên không phải lúc nào cũng thành công, có khi còn nguy hiểm cho thai nhi.

Vì vậy các bác sĩ hiện nay ít sử dụng những phương pháp truyền thống này. Khi đẻ, đầu của thai là phần quan trọng nhất, nếu ra sau cùng khiến cho thai dễ bị ngạt, chưa kể đến việc đầu là phần to hơn mông và chân nhưng ra sau nên dễ bị mắc lại trong khung xương chậu làm cho ca sinh trở nên nguy hiểm. Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thầy thuốc thường khuyên các bà mẹ thai ngôi ngược chấp nhận mổ lấy thai khi bắt đầu chuyển dạ.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu đẻ non thì tỷ lệ ngôi ngược sẽ cao hơn, vì thế cần chăm sóc thai nghén để bà mẹ không đẻ non. Đây là cách giảm tỷ lệ đẻ ngôi ngược.

Ngôi ngược thường xuất hiện ở những bà mẹ có khung chậu hẹp, nhau bám thấp, tử cung không bình thường hoặc do nước ối ít. Do vậy, mẹ bầu cần khám thai đúng lịch trình để được tư vấn và có phương hướng xử lý ngôi thai ngược phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Linh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến